[In trang]
Thép Hòa Phát tự chủ trên 90% điện sản xuất
Thứ sáu, 21/02/2025 - 14:57
Năm 2024, các Khu liên hợp sản xuất gang thép của Hòa Phát đã ghi nhận sản lượng phát điện đạt 3,18 tỷ kWh, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước.
Theo thông tin từ Hòa Phát (HPG), năm 2024, hệ thống nhà máy điện nhiệt dư của tập đoàn tại hai Khu liên hợp sản xuất gang thép ở Hải Dương và Dung Quất đã ghi nhận sản lượng phát điện đạt 3,18 tỷ kWh, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ đó, tập đoàn đảm bảo tự chủ trên 90% nhu cầu điện cho các hoạt động sản xuất thép.
Tại Hòa Phát Dung Quất, sản lượng điện tự phát đạt 2,39 tỷ kWh, trong khi Khu liên hợp thép Hòa Phát Hải Dương cung cấp 788 triệu kWh. Dù ngành nghề chính là sản xuất thép nhưng tổng lượng điện tự chủ của Hòa Phát đã tương đương với công suất của một nhà máy nhiệt điện tầm trung. Nếu quy đổi theo giá điện hiện hành, sản lượng điện tự phát trong năm 2024 của Hòa Phát có giá trị khoảng 5.400 tỷ đồng.
Việc thu hồi và sử dụng nhiệt dư, khí dư để phát điện không chỉ giúp Hòa Phát tiết kiệm năng lượng mà còn nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, giảm áp lực lên hệ thống điện quốc gia và góp phần bảo vệ môi trường. Các Khu liên hợp gang thép của Hòa Phát được trang bị dây chuyền hiện đại từ các nước G7, tận dụng tối đa nhiệt và khí dư sinh ra trong quá trình sản xuất để cải thiện hiệu suất phát điện và phát triển bền vững.
Tổng lượng điện phát tự chủ được của Hòa Phát tương đương một nhà máy nhiệt điện tầm trung.
Hiện nay, Hòa Phát đang áp dụng 5 giải pháp sản xuất thép tiết kiệm năng lượng gồm: Thứ nhất là thu hồi nhiệt dư, khí nóng lò cốc, lò cao, lò thổi sản xuất điện. Nhiệt dư phát sinh từ quá trình sản xuất than cốc, khí dư từ quá trình luyện gang, luyện thép được thu hồi, tận dụng phục vụ cho phát điện để cung cấp cho sản xuất. Thứ hai là sử dụng công nghệ dập cốc khô thân thiện với môi trường để sản xuất điện. Thứ ba là công nghệ tuabin thu hồi năng lượng Quạt gió lò cao (BPRT), vận hành các quạt gió công suất lớn, giúp tiết kiệm đến 50% lượng điện tiêu thụ so với phương pháp truyền thống. Thứ tư là sử dụng nhiệt dư để sản xuất điện trong quá trình thiêu kết quặng. Thứ năm là công nghệ Đúc – Cán liên tục, tận dụng nhiệt từ phôi nóng, phôi nóng sau đúc có nhiệt độ 750-900 độ C sẽ được chuyển ngay sang dây chuyền cán để sản xuất thép thành phẩm. Giải pháp này đã tiết giảm tối đa sử dụng năng lượng, làm giảm chi phí sản xuất, đồng thời giảm phát thải CO2/tấn sản phẩm.
Nhờ các giải pháp trên, Hòa Phát không chỉ tối ưu chi phí sản xuất mà còn gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường thép, đồng thời góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp thép xanh bền vững.
Hương Linh