Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc thực hành tiết kiệm điện
Thứ hai, 09/12/2024 - 10:32
Nhằm thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 11 của UBND tỉnh về việc đảm bảo cung ứng điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp tiết kiệm điện. Qua đó góp phần giảm thiểu chi phí hoạt động, đảm bảo ổn định hệ thống lưới điện của tỉnh.
Nhiều giải pháp hiệu quả
Bệnh viện Đa khoa tỉnh là công trình y tế cấp I, được đầu tư xây dựng hiện đại, gồm 2 khối nhà kết nối liên hoàn, khép kín, đồng bộ, đạt tiêu chuẩn khám, chữa bệnh chất lượng cao.
Với quy mô hơn 1.000 giường bệnh, trung bình mỗi ngày, bệnh viện đón tiếp hàng trăm lượt bệnh nhân tới khám và điều trị nội trú. Với lưu lượng bệnh nhân lớn cùng việc vận hành các thiết bị, máy móc, nên mức tiêu thụ điện ở bệnh viện thường xuyên gia tăng.
Nhân viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh kiểm tra, vận hành hệ thống BMS.
Kỹ sư Nguyễn Văn Nam, chuyên viên Phòng Hành chính quản trị, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Theo tính toán của nhà tư vấn xây dựng, tổng sản lượng điện tiêu thụ (khi hoạt động hết công suất) của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đạt hơn 1.7 triệu KWh/tháng. Các hệ thống kỹ thuật, máy móc công suất lớn, tiêu tốn sản lượng điện nhiều phải kể đến Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (130.000 KWh), Khoa Chẩn đoán hình ảnh (80.000 KWh), Khoa Dinh dưỡng (40.000 KWh)…
Ngoài ra, hệ thống thang máy, điều hòa, thông gió... trong bệnh viện cũng làm gia tăng đáng kể nguồn điện năng. Để tiết kiệm điện, thời gian qua, bệnh viện đã rà soát, triển khai nhiều phương án nhằm giảm thiểu mức tiêu thụ điện tại đơn vị”.
Theo đó, đối với hệ thống thang máy được cải tiến, lắp thêm bộ cài đặt giờ tự động để điều chỉnh thời gian hoạt động hợp lý vào thời gian cao điểm và thấp điểm; lắp bộ kiểm soát phân luồng đi lại riêng biệt cho người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế.
Bệnh viện tổ chức phân luồng đi lại của người dân theo hướng tập trung; kiểm soát, hạn chế người dân sử dụng thang máy ngoài giờ thăm nuôi; tuyên truyền người dân và nhân viên y tế sử dụng cầu thang bộ từ tầng 3 trở xuống…
Kết quả, sau khi hệ thống thang máy được cải tiến và điều chỉnh giờ nghỉ, giờ chạy hợp lý, mỗi tháng bệnh viện giảm được 20% số KWh điện (tương đương 50.000 KWh, với khoản chi phí 90 triệu đồng/tháng).
Hoạt động hệ thống thang cuốn tại bệnh viện được điều chỉnh phù hợp theo thời điểm, lưu lượng bệnh nhân trong ngày.
Sản lượng điện tiêu thụ giảm đáng kể
Đối với hệ thống điều hòa thông gió, bệnh viện tắt 2 tiếng vào buổi sáng sớm; cài đặt nhiệt độ trung bình 26 độ C tại các phòng điều trị. Đối với các phòng nhân viên hành chính, yêu cầu tắt toàn bộ điều hòa khi hết giờ làm việc; lắp đặt thêm quạt trần tại các phòng bệnh để giảm thời gian hoạt động của điều hòa. Kết quả, qua thực hiện, bệnh viện đã tiết giảm được 90.000 KWh/tháng, tương ứng hơn 160 triệu đồng.
Đối với hệ thống chiếu sáng công cộng và hành lang các khoa, bệnh viện thực hiện cài đặt đèn chiếu sáng xen kẽ để các bóng điện hoạt động luân phiên, giảm tiêu hao điện năng, tăng tuổi thọ thiết bị; giảm số lượng bóng bằng cách ngắt bỏ nguồn điện tại một số khu vực thiết kế số lượng bóng điện có mật độ dày.
Vào ban ngày, tại các khu vực hành lang giáp các vách kính, các đèn chiếu sáng được tắt hoàn toàn, qua đó tiết kiệm được khoảng 5.000KWh/tháng.
Đối với hệ thống bình nóng lạnh, bệnh viện cải tiến, lắp đặt trực tiếp các bộ cài đặt hẹn giờ cấp nguồn điện đến bình nước nóng lạnh theo các khung giờ sinh hoạt của người dân, qua đó tiết kiệm được 120.000 KWh/tháng với chi phí khoảng 200 triệu đồng…
Việc thực hành tiết kiệm điện được triển khai ở các khoa, phòng trong bệnh viện.
Cùng với việc thực hành tiết kiệm điện, công tác tuyên truyền cũng được bệnh viện quan tâm, tăng cường thực hiện trên hệ thống loa truyền thanh. Qua đó, giúp mỗi cán bộ, nhân viên, người dân đến khám và điều trị nội trú nâng cao nhận thức, trách nhiệm khi thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện như tắt bóng đèn, quạt, điều hòa, máy tính khi ra khỏi phòng, tại các khu vực sinh hoạt chung; tận dụng tối đa ánh sáng và thông gió tự nhiên…
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp tiết kiệm điện, từ tổng sản lượng tiêu thụ điện hơn 1.7 triệu KWh/tháng đến nay giảm còn khoảng 1 triệu KWh/tháng. Việc sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả không những giúp giảm chi phí tiền điện, tăng hiệu quả hoạt động cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh mà còn góp phần bảo vệ môi trường, vì sự phát triển bền vững.
Nguồn: Báo Vĩnh Phúc