[In trang]
Chia sẻ tiết kiệm điện cho hộ sinh hoạt
Thứ năm, 17/10/2024 - 15:30
Công tác tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm, an toàn và hiệu quả luôn được ngành điện xem là một nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, sâu sát vào những vấn đề tưởng nhỏ nhặt nhất của mỗi hộ tiêu thụ, mỗi con người đặc biệt là trẻ nhỏ, những người sử dụng điện mà không phải là người thanh toán tiền điện
Sử dụng điện hiệu quả sẽ mang lại cho người dân cũng như các tổ chức cá nhân sử dụng điện tránh được lãng phí chi phí trong sinh hoạt, sản xuất. Tiết kiệm chi phí, hay nói đơn giản là tiết kiệm tiền là điều nhìn thấy rõ ràng nhất khi sử dụng điện tiết kiệm. Giả sử, một hộ gia đình có mức sử dụng điện sinh hoạt là 500kWh/tháng, tương đương với số tiền phải trả 1.396.764 đồng, nếu chúng ta sử dụng điện tiết kiệm được 10% điện năng tiêu thụ, lúc đó mức tiêu thụ điện là 450kWh, tương đương số tiền phải trả là 1.226.610 đồng. Số tiền phải trả giảm được là 170.154 đồng, khoảng 12,18% chi phí tiền điện. Đối với một số hộ sinh hoạt, việc thay đổi thói quen, ý thức sử dụng để giảm 10% điện năng tiêu thụ là không quá khó. Một số giải pháp có thể dễ dàng thực hiện hàng ngày như sau:
Sử dụng điều hòa: không nên để nhiệt độ điều hòa quá thấp, làm tăng độ chênh nhiệt trong phòng với bên ngoài lớn, tiêu hao điện hơn. Chúng ta nên duy trì nhiệt độ khoảng 26℃ - 28℃. Không bật tắt điều hòa liên tục, cửa phòng cần đóng kín, cửa sổ tránh ánh nắng chiếu vào. Phối hợp quạt gió giúp hỗ trợ đối lưu cho điều hòa. Nên tránh việc sử dụng các thiết bị phát nhiệt như: đun nấu, ủi đồ… trong phòng cần làm mát.
Sử dụng thiết bị đun nấu: Nếu bếp điện hoặc ấm điện chúng ta cần phải tranh thủ quán tính nhiệt để sử dụng cho hết nhu cầu, giả sử cần phải đun 2 ấm nước nóng thì nên đun liên tục, khi ấm còn nóng để rút ngắn thời gian đun. Nồi cần phải tiếp xúc với bếp điện (bếp từ) đúng cách, không được để lệch. Bếp cần được lau sạch sau mỗi lần đun nấu.
Sử dụng thiết bị chiếu sáng: Thói quen bật đèn khi vào phòng cũng cần thay đổi bằng cách chúng ta kéo rèm cửa để tận dụng ánh sáng tự nhiên. Một điều hết sức lưu ý là trẻ nhỏ sẽ bật đèn theo thói quen và thường xuyên quên tắt. Cần phải nhắc nhở liên tục hoặc sử dụng công tắc cảm biến ở một vài vị trí không thường xuyên phải bật đèn như: cầu thang, hành lang, nhà vệ sinh…
Cô Phan Thị Kim Oanh, hiệu phó trường Tiểu học Thắng Nhất, phường Thắng Nhất, Thành phố Vũng Tàu đang hướng dẫn các em học sinh các giải pháp tiết kiệm điện
Các thiết bị khác: Tủ lạnh không mở nhiều lần, mở quá lâu, sắp xếp thức ăn để trong tủ lạnh gọn gàng, nên để trong các hộp bằng sứ hoặc thủy tinh, không cho thức ăn đang nóng vào tủ. Giặt đồ khi lượng quần áo vừa đủ, không quá ít, không quá nhiều để tiết kiệm điện và cả tiết kiệm nước. Chọn đúng chế độ giặt, hạn chế sấy mà nên tận dụng nhiệt độ môi trường để phơi khô. Quần áo quá bẩn thì nên giặt tay trước khi cho vào máy để giặt. Tivi, loa, máy in… nên sử dụng cầu dao hoặc công tắc để ngắt nguồn khi không sử dụng tránh để thiết bị hoạt động ở chế độ chờ.
Thực tế cho thấy rằng, để sử dụng điện tiết kiệm trong từng hộ gia đình thì vấn đề nhận thức của người dùng điện là hết sức quan trọng. Khi người sử dụng điện nhận thức được việc tiết kiệm điện giúp họ tiết kiệm được tiền, giảm được chi phí sinh hoạt là trước hết, ngoài ra, hiệu quả của nó còn là tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu, góp phần chống lại hiện tượng trái đất đang ngày càng nóng lên.
Theo: Điện lực Bà Rịa Vũng Tàu