[In trang]
TP. Hồ Chí Minh phấn đấu tiết kiệm điện ít nhất 2% tổng sản lượng điện tiêu thụ
Chủ nhật, 29/09/2024 - 08:04
Để đảm bảo cung cấp điện, ngành điện TP. Hồ Chí Minh phấn đấu tiết kiệm tối thiểu 2% tổng lượng điện thương phẩm.
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tiết kiệm điện
Để góp phần vào nỗ lực chung của cả nước trong việc thực hiện tiết kiệm điện theo Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 8/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo. Đồng thời nhằm đảm bảo cung cấp điện liên tục, ổn định cho phát triển kinh tế xã hội, những năm qua, Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVNHCMC) quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, chương trình nhằm tuyên truyền vận động khách hàng sử dụng điện an toàn, tiết kiệm-hiệu quả và đạt được nhiều kết quả ấn tượng.
Công nhân ngành điện TP. Hồ Chí Minh hướng dẫn khách hàng cài đặt ứng dụng (app) EVNHCMC CSKH để trực tiếp theo dõi và tra cứu thông tin về điện năng tiêu thụ hàng ngày và có sự điều chỉnh hợp lý trong sử dụng điện
Theo đó, năm 2023, sản lượng tiết kiệm điện trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đạt 627,56 triệu kWh, chiếm 2,20% sản lượng điện thương phẩm toàn Thành phố, cao hơn 0,21% so với chỉ tiêu Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao (EVN) giao là 2%.
Một trong những yếu tổ nổi bật để đạt kết quả tốt trong công tác tiết kiệm điện trên địa bàn, theo ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh đó là tác dụng từ công tác truyền thông. Trong đó, ngành điện đã đẩy mạnh thực hiện truyền thông tiết kiệm điện tới từng phường, xã, khu phố, tổ dân phố được Tổng công ty và các đơn vị phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan. Qua đó, ý thức sử dụng tiết kiệm điện của người dân được nâng cao; các doanh nghiệp các đơn vị sản xuất kinh doanh cũng đã chung sức trong triển khai thực hiện.
Song song đó, ngành điện TP. Hồ Chí Minh cũng đã sử dụng dữ liệu đo xa hàng ngày để giám sát việc thực hiện của từng khách hàng; tổng hợp báo cáo số liệu hàng ngày; đi kiểm tra hàng đêm, tập trung vào nhóm chiếu sáng quảng cáo để yêu cầu tắt đèn sau 22 giờ.
Dự báo, năm 2024, nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng cao nhằm phục hồi phát triển kinh tế, sản xuất công nghiệp sau đại dịch, để đảm bảo cung cấp điện liên tục, ổn định an toàn, Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh đã và đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, chương trình nhằm tuyên truyền vận động khách hàng sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả, trở thành thói quen chứ không phải giải pháp tình thế, với mục tiêu đạt mức tiết kiệm điện tối thiểu ≥ 2% tổng sản lượng điện thương phẩm.
Ông Bùi Trung Kiên cho biết: Năm 2024, Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh hơn nữa công tác tiết kiệm điện bằng các giải pháp rất cụ thể. Trong đó, các công ty điện lực tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ gia đình hưởng ứng và đăng ký tham gia phong trào “Gia đình xanh” bằng hình thức điện tử thông qua các trang tin địa phương; nhóm Zalo tổ dân phố, khu dân cư, chung cư; Fanpage Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh; web https://cskh.evnhcmc.vn/; ứng dụng EVNHCMC CSKH.
Cùng với đó, Tổng công ty yêu cầu các công ty điện lực cũng hỗ trợ, phối hợp địa phương trong công tác cải tạo, hoàn thiện hệ thống chiếu sáng dân lập đồng thời chủ động tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng điện an toàn, tiết kiệm tại các trường học. Đặc biệt, Trung tâm Chăm sóc khách hàng và các đơn vị có nhiệm vụ truyền thông liên tục về phong trào “Gia đình xanh” trên Fanpage EVNHCMC; web https://cskh.evnhcmc.vn/; ứng dụng EVNHCMC CSKH; phối hợp tổ chức gameshow “Học sinh chung tay sử dụng điện an toàn, tiết kiệm”…
Phấn đấu hàng năm tiết kiệm ít nhất 2% điện thương phẩm
Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - cho biết: Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo. Đồng thời thúc đẩy sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đưa chương trình tiết kiệm điện thành hoạt động thường xuyên trong đời sống xã hội trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
TP. Hồ Chí Minh khuyến khích tận dụng và huy động các nguồn lực để lắp đặt và sử dụng hệ thống điện mặt trời trên mái nhà để giảm tiêu thụ điện từ hệ thống điện quốc gia
Cùng với đó, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về sử dụng điện tiết kiệm trong mọi hoạt động của xã hội, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch thực hiện tiết kiệm điện trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo.
Theo đó, mục tiêu của TP. Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2023-2025 là hàng năm tiết kiệm ít nhất 2% tổng điện năng tiêu thụ; giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện dưới 3,5% vào năm 2025; đến hết năm 2025, phấn đấu 100% chiếu sáng đường phố sử dụng đèn LED… UBND Thành phố cũng đã giao cho các sở ban ngành, đơn vị có liên quan nghiên cứu, áp dụng những giải pháp cụ thể để đạt được những mục tiêu này.
Trong đó, đối với doanh nghiệp sản xuất cần phải xây dựng và thực hiện các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả như: đảm bảo sử dụng đúng công suất và biểu đồ phụ tải; thực hiện kế hoạch sản xuất hợp lý; hạn chế tối đa việc huy động các thiết bị, máy móc có công suất tiêu thụ điện lớn vào giờ cao điểm; hạn chế tối đa các thiết bị điện hoạt động không tải; đảm bảo giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo tiết kiệm ít nhất 2% điện năng tiêu thụ trên một đơn vị sản phẩm mỗi năm hoặc tiết kiệm ít nhất 2% tổng điện năng tiêu thụ trong năm.
TP. Hồ Chí Minh cũng khuyến khích doanh nghiệp lắp đặt, tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió vào hệ thống năng lượng nội bộ; ưu tiên sử dụng các thiết bị được dán nhãn năng lượng hiệu suất cao.
Đáng chú ý, các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm phải tiết kiệm ít nhất 2% điện năng tiêu thụ trên một đơn vị sản phẩm mỗi năm hoặc tiết kiệm ít nhất 2% tổng điện năng tiêu thụ trong năm. Ngoài ra, cơ sở sử dụng năng lượng có điện năng tiêu thụ từ 01 triệu kWh/năm trở lên phải tiết kiệm ít nhất 2% điện năng tiêu thụ trên một đơn vị sản phẩm mỗi năm hoặc tiết kiệm ít nhất 2% tổng điện năng tiêu thụ trong năm…
UBND TP. Hồ Chí Minh cũng khuyến khích các cơ sở sản xuất tận dụng các nguồn năng lượng phát sinh trong quá trình sản xuất như nhiệt thải phục vụ phát điện, tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo vào hệ thống điện, năng lượng nội bộ, giảm nhu cầu điện của đơn vị từ nguồn điện lưới quốc gia; cũng như triển khai tiêu chuẩn quản lý sử dụng điện năng tại các cơ sở sản xuất.
Đối với các cơ quan, công sở, tòa nhà, văn phòng, trường học, bệnh viện… phải phối hợp với công ty điện lực khu vực xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo cho đơn vị mình. Qua đó, đảm bảo hằng năm tối thiểu tiết kiệm 5% tổng điện năng tiêu thụ trong năm so với kế hoạch dự báo mức tiêu thụ điện nếu không triển khai thực hiện kế hoạch tiết kiệm điện.
Ngoài ra, các đơn vị này phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 20 tới toàn thể người lao động, đưa nội dung tiết kiệm điện vào chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, chấp hành kỷ luật nội bộ và thi đua khen thưởng hằng năm… Đồng thời tận dụng và huy động các nguồn lực để lắp đặt và sử dụng hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, hệ thống đun nước nóng từ năng lượng mặt trời để giảm tiêu thụ điện từ hệ thống điện quốc gia.
Còn đối với các hộ gia đình, Thành phố khuyến khích sử dụng các thiết bị điện được dán nhãn năng lượng theo Quyết định số 04/2017/QĐ-TTg ngày 9/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện.
UBND Thành phố cũng đề nghị các hộ gia đình thường xuyên thực hành thói quen sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả tại gia đình như: tắt các thiết bị điện khi ra khỏi phòng, cắt hẳn nguồn điện nếu không sử dụng các thiết bị điện; chỉ sử dụng điều hòa nhiệt độ khi thật cần thiết; ưu tiên mua sắm các phương tiện, thiết bị điện hiệu suất cao hoặc thiết bị điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng; hạn chế tối đa sử dụng bóng đèn sợi đốt; lắp đặt và sử dụng hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, hệ thống đun nước nóng từ năng lượng mặt trời.
Theo: Báo Công Thương