[In trang]
Hà Nội tập trung chuyển đổi, đầu tư năng lượng sạch
Thứ tư, 15/03/2023 - 08:47
Thành phố Hà Nội hiện tập trung chuyển đổi, đầu tư năng lượng sạch, chỉ đạo các tuyến xe buýt khi đấu thầu phải chuyển sang sử dụng năng lượng sạch theo đúng lộ trình chuyển đổi tỷ lệ phương tiện giao thông sử dụng điện, năng lượng sạch đến năm 2030. Thành phố cũng cải tạo toàn bộ hệ thống điện ở khu đô thị, công cộng, trạm xăng theo hướng sử dụng năng lượng sạch.
Sáng 13/3, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai chủ trì buổi làm việc với Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) và Sở Công Thương Hà Nội về chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”. 
Phó trưởng Đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai chủ trì buổi giám sát (Ảnh Tuổi trẻ thủ đô)
Đến năm 2021, toàn thành phố có 3 trạm biến áp và 285km lưới điện 500kV, 13 trạm biến áp và 775,86km lưới điện 220kV, 63 trạm biến áp và 1.052km lưới điện 110kV, hơn 22.694 trạm biến áp phân phối và 47.000km đường dây trung hạ thế các loại. Lưới điện Thủ đô được hoàn chỉnh liên kết mạch vòng với các trạm biến áp tại các địa phương lân cận, bảo đảm cấp điện phục vụ cho khoảng 2,8 triệu khách hàng toàn thành phố, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Về đầu tư phát triển nguồn điện, đến năm 2021, thành phố đã lắp đặt được 2.102 hệ thống điện mặt trời mái nhà, công suất 33,82MWp; 1 nhà máy điện rác Nam Sơn, công suất 1,93MW (đã đi vào vận hành) và 2 dự án nguồn điện: Dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn, công suất 75MW (đã vận hành 2/3 tổ máy phát công suất 60MW), dự án Nhà máy điện rác Seraphin, công suất 37MW (khởi công xây dựng ngày 30-3-2022).
Đối với cung ứng, dự trữ xăng dầu, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trên địa bàn thành phố bình quân 146.500 m3/tháng. Thành phố hiện có 3 kho xăng sức chứa trên 5.000m3 và 2 kho xăng sức chứa dưới 5.000m3; 493 cửa hàng xăng dầu, trong đó có 32 cửa hàng đang tạm dừng hoạt động (do thực hiện cải tạo sửa chữa, trong giai đoạn chuyển giao cho đơn vị khác, đang hoàn thiện giấy tờ về sử dụng đất, giải quyết tranh chấp, không đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy...). 73% nguồn hàng xăng dầu cung cấp cho thị trường Hà Nội là từ các doanh nghiệp đầu mối và các công ty thành viên, 27% nguồn hàng từ các thương nhân phân phối.
Giai đoạn 2016-2021, mặc dù nhu cầu phụ tải điện tăng cao (sản lượng điện đầu nguồn tăng trưởng 30% cả giai đoạn), tốc độ tăng trưởng phụ tải điện của EVNHANOI trung bình đạt 7,93%/năm; đặc biệt, năm 2017 và 2018 có tốc độ tăng trưởng cao lần lượt là 13% và 10%. Tổn thất điện năng trung bình mỗi năm giảm xấp xỉ 0,49%. Thời gian mất điện trung bình giảm sâu qua các năm, thực hiện năm 2016 đạt 964,8 phút, đến năm 2021 giảm còn 163,1 phút.
Trên cơ sở thực tiễn phát triển năng lượng tại Thủ đô, Sở Công Thương Hà Nội kiến nghị nghiên cứu, áp dụng cơ chế đặc thù phù hợp để khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển, ban hành cơ chế mua bán điện mặt trời mái nhà trên địa bàn. Bên cạnh đó, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền quan tâm quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển năng lượng phục vụ kinh tế - xã hội nói chung, đầu tư xây dựng cửa hàng xăng dầu, trạm biến áp nói riêng trên địa bàn thành phố…
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại buổi giám sát.(Ảnh Tuổi trẻ thủ đô)
Phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, trong nhiệm kỳ này, thành phố bảo đảm tốt công tác dự phòng, cung cấp điện; bên cạnh đó, ý thức sử dụng điện của người dân Thủ đô đã có nhiều chuyển biến tốt.
Thành phố hiện tập trung chuyển đổi, đầu tư năng lượng sạch, chỉ đạo các tuyến xe buýt khi đấu thầu phải chuyển sang sử dụng năng lượng sạch, theo đúng lộ trình chuyển đổi tỷ lệ phương tiện giao thông sử dụng điện, năng lượng sạch đến năm 2030; 100% xe taxi được thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh... Thành phố cũng cải tạo toàn bộ hệ thống điện ở khu đô thị, công cộng, trạm xăng theo hướng sử dụng năng lượng sạch.
Đối với công tác quản lý, điều hành xăng dầu, thành phố đã vào cuộc đồng bộ nên giữ được thị trường, cơ bản ổn định tình hình cung ứng xăng dầu trong thời gian qua. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, công tác quản lý, điều hành gặp nhiều khó khăn do chính sách điều hành, công tác dự trữ; do đó, cần có chính sách để tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm điều hành thị trường xăng dầu hiệu quả hơn.
Phát biểu kết luận buổi giám sát, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Phạm Thị Thanh Mai lưu ý, các cơ quan, đơn vị làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm để hoàn thiện báo cáo giám sát. Đồng chí Phạm Thị Thanh Mai cũng đề nghị, thành phố có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, thách thức trong công tác phát triển, bảo đảm an ninh năng lượng, đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng trên địa bàn.
Theo Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP, việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng trên địa bàn Thủ đô thời gian qua đã đảm bảo phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội, cho nhu cầu của người dân thể hiện qua chỉ số hài lòng của người dân; Chỉ số tiết kiệm điện năng...
Đoàn giám sát đề nghị các đơn vị tiếp tục hoàn thiện báo cáo, nêu rõ hơn giải pháp để giải quyết, tháo gỡ nguy cơ, thách thức về thiếu năng lượng. TP cần có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, thách thức trong công tác phát triển, bảo đảm an ninh năng lượng, đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng trên địa bàn.
Hương Linh