[In trang]
Tình hình thực hiện và đề xuất nội dung sửa đổi Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Chủ nhật, 09/10/2022 - 08:51
Sáng ngày 7/10 tại Tp. HCM, Hội Khoa học công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam đã tổ chức Hội thảo tham vấn “Tình hình thực hiện và đề xuất nội dung sửa đổi Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Quyết định 68/2011/QĐ-TTg”.
Mở đầu Hội thảo, ông Nguyễn Đình Hiệp - chủ tịch Hội KHCN SDNL.TK&HQ Việt Nam cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia đang phát triển, với GDP tăng trung bình 7,26%/năm trong giai đoạn 2001 - 2010 và 5,91% giai đoạn 2011 - 2015. Đi cùng với đó là yêu cầu và tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng, công nghiệp hóa của Việt Nam cũng tăng nhanh chóng, kéo theo sức ép về nhu cầu sử dụng năng lượng trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. 
Ông Nguyễn Đình Hiệp - Chủ tịch Hội Khoa học công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
"Tính đến hết năm 2020, tổng số cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên toàn quốc là 2.961 cơ sở. Trong đó có 2.480 cơ sở sản xuất công nghiệp, 13 cơ sở sản xuất nông nghiệp, 80 cơ sở trong lĩnh vực vận tải có mức tiêu thụ năng lượng tổng cộng trong một năm quy đổi ra một nghìn tấn dầu tương đương (1000 TOE) trở lên", ông Nguyễn Đình Hiệp nhấn mạnh.
Đối mặt trước thực trạng thiếu nguồn năng lượng đang hiện hữu, ngay từ năm 2010, Quốc hội đã ban hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (Luật SDNL.TK&HQ) - Luật số 50/2010/QH12 nhằm triển khai, đẩy mạnh các công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tới toàn thể người dân. Đồng thời Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Danh mục phương tiện, thiết bị tiết kiệm năng lượng được trang bị, mua sắm đối với cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước (Quyết định số 68/2011/QĐ-TTg) vào năm 2011.
Qua hơn mười năm thực hiện, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Quyết định 68/2011/QĐ-TTg đã có tác động tích cực đến hoạt động tiết kiệm năng lượng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của cộng đồng trên phạm vi cả nước. Nhưng trong quá trình thực thi, Luật cũng tồn tại một số vấn đề bất cập, gây ra những khó khăn, vướng mắc cho quá trình triển khai. Chẳng hạn: việc tuân thủ Luật còn chưa nghiêm, các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật chưa thực hiện đầy đủ các quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn đã ban hành; nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp còn hạn chế, chưa sẵn sàng tiếp cận với thông tin về công nghệ và các giải pháp tiết kiệm năng lượng; hoạt động SDNL TK&HQ trong một số lĩnh vực như: Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn còn nhiều hạn chế, nhỏ lẻ, chưa đáp ứng yêu cầu được quy định trong Luật; thiếu các quy định giám sát và những chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng,...
Do đó, để phù hợp hệ thống pháp luật hiện hành và tình hình thực tế triển khai các Chương trình/Dự án tiết kiệm năng lượng hiện nay, cần phải tiến hành đề xuất bổ sung, sửa đổi nội dung Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Từ đó, giúp nâng cao ý thức cộng đồng trong việc sử dụng tiết kiệm các nguồn năng lượng, giảm thiểu các hoạt động sử dụng lãng phí, nâng cao hiệu quả trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Các đại biểu tại Hội thảo tham gia lắng nghe, góp ý đề xuất bổ sung, sửa đổi nội dung Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Về nội dung cần bổ sung, sửa đổi nội dung Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các đại biểu tham dự Hội thảo đã xem xét và tán thành với 9 vấn đề chính như sau:
Một là, tăng cường phân cấp, phân quyền và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong hoạt động SDNL TK&HQ. theo hướng tăng cường trách nhiệm giám sát của của các cơ quan chủ quản trong giám sát các đơn vị cấp dưới để nâng cao tính tuân thủ của Luật.
Hai là, bổ sung các quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện kiểm toán năng lượng; nội dung, chương trình đào tạo, thẩm quyền cấp, công nhận, thu hồi, thời hạn của chứng chỉ quản lý năng lượng và kiểm toán viên năng lượng.
Ba là, quy định chi tiết hơn về việc xây dựng và áp dụng mô hình quản lý năng lượng tại các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm lĩnh vực công nghiệp xây dựng và giao thông vận tải. 
Bốn là, xem xét điều chỉnh quy định mức sử dụng năng lượng đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm hiện hành  lĩnh vực công nghiệp và xây dựng dân dụng.
Năm là, bổ sung quy định cụ thể về nghĩa vụ thực hiện các quy định của Luật đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm cho phù hợp với tình hình hiện nay. 
Sáu là, bổ sung các quy định về pháp lý và pháp nhân cho hoạt động của mô hình ESCO phù hợp với hệ thống pháp luật của Việt Nam; quy định và hướng dẫn chi tiết các hoạt động chuyên môn đối với  mô hình ESCO như: thu xếp vốn đầu tư, chia sẻ lợi nhuận, rủi ro đầu tư, cơ chế huy động vốn, các loại hợp đồng ESCO, cơ chế giám sát của bên thứ ba,…
Bảy là, bổ sung, làm rõ các quy định về hỗ trợ thuế, hỗ trợ tài chính đối với hoạt động đầu tư thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng, các dự án nâng cấp, cải tạo dây chuyền sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất bằng công nghệ tiết kiệm năng lượng.
Tám là, nghiên cứu, xây dựng Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên cơ sở thúc đẩy mọi nguồn lực xã hội cả trong và ngoài nước để hỗ trợ triển khai các hoạt động HQNL, thúc đẩy phát triển thị trường HQNL tại Việt Nam.
Chín là, cung cấp vốn và trợ giúp kỹ thuật thông qua Công ty dịch vụ tư vấn năng lượng (ESCO) cho các dự án tiết kiệm năng lượng, thúc đẩy đầu tư tiết kiệm năng lượng thông qua các hình thức đa dạng khác nhau bao gồm đầu tư mạo hiểm, vốn tự có, thuê tài sản, tín dụng carbon, quỹ bảo lãnh tín dụng và trợ giúp kỹ thuật, Bổ sung danh mục  các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng vào các dự án được cấp tín dụng xanh,…
Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đưa ra quan điểm chỉ đạo: “Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội; xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ, chế tài đủ mạnh và khả thi để khuyến khích đầu tư và sử dụng các công nghệ, trang thiết bị tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, góp phần thúc đẩy năng suất lao động và đổi mới mô hình tăng trưởng.” Do đó, việc tiến hành sửa đổi, bổ sung nội dung của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ tạo ra công cụ và giải pháp mới, để giải quyết vấn đề thực tiễn và luật hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thúc đẩy các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (TK&HQ) trong thời gian tới
Quang Ngọc