[In trang]
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thực hiện Chỉ thị 20
Thứ năm, 13/10/2022 - 09:26
Trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 20 về việc tăng cường tiết kiệm điện, không ít doanh nghiệp đã gặp phải những khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, các vướng mắc về tài chính là vấn đề nổi cộm tại các doanh nghiệp.
Chia sẻ của ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương về vấn đề này.
PV: Xin ông cho biết đánh giá về kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị 20 về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 – 2025?
Ông Trịnh Quốc Vũ: Kể từ khi triển khai Chỉ thị số 20 của Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 - 2025, Bộ Công Thương chúng tôi đã xây dựng về khung chương trình chỉ thị tiết kiệm điện và đã có văn bản gửi cho 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để hướng dẫn chương trình hành động thực hiện Chỉ thị 20 của Thủ tướng chính phủ.
Đồng thời, thông qua các nguồn lực của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các dự án ODA, chúng tôi đã hỗ trợ được 15 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng kế hoạch, hành động thực hiện Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ. Cho đến nay đã có 54/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã xây dựng và ban hành kế hoạch hành động thực hiện Chỉ thị 20.
Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã thành lập các đoàn công tác để kiểm tra, giám sát về việc thực hiện luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trong đó có lồng ghép các nội dung của Chỉ thị 20. Đến nay đã kiểm tra được 37 đơn vị tập trung vào các Sở Công Thương, vừa kiểm tra vừa hướng dẫn các địa phương xây dựng, thực hiện các chương trình hành động về tăng cường tiết kiệm điện và kiểm tra các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, các cơ sở công nghiệp về tình hình thực hiện Chỉ thị 20, cũng như về tình hình thực hiện pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Qua đó, chúng tôi đánh giá việc thực hiện Chỉ thị 20 của Thủ tướng chính phủ tại các địa phương tương đối tốt. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều công việc mà các địa phương và các đối tượng của Chỉ thị 20 phải nỗ lực hơn nữa để đạt được các mục tiêu mà Chỉ thị 20 đã đề ra, đó là tiết kiệm hàng năm được 2% sản lượng điện tiêu thụ đối với các cơ sở công nghiệp, tiết kiệm mỗi năm 5% lượng điện năng tiêu thụ đối với các cơ quan hành chính sự nghiệp,… Các đối tượng này cần có những giải pháp cụ thể về kỹ thuật công nghệ và tài chính để nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục công tác thanh, kiểm tra về việc thực hiện Chỉ thị 20. Đồng thời kiến nghị Thủ tướng chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền để xây dựng các cơ chế hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp thực hiện chương trình có thể tiếp cận vốn đề đầu tư vào các giải pháp tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng để từ đó thực hiện thành công các Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cũng như thực hiện các nội dung mà Chỉ thị 20 của Thủ tướng chính phủ đã đề ra.
PV: Trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 20, các doanh nghiệp đã gặp phải những khó khăn, vướng mắc gì và đề xuất của Bộ Công Thương để giải quyết các khó khăn ấy, thưa ông?
Ông Trịnh Quốc Vũ: Chương trình tiết kiệm điện được triển khai nhưng hiện đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, trong đó nổi lên các vấn đề như: Giá điện thấp dẫn đến chi phí điện năng trong cơ cấu giá thành sản xuất còn thấp; nhận thức của người dân và doanh nghiệp về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả còn chưa cao.
Bên cạnh đó, các cơ chế chính sách khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả còn thiếu và chưa tạo ra được động lực đối với người dân, doanh nghiệp và cộng đồng; Cũng như trình độ công nghệ kỹ thuật, thiết bị và việc quản lý sử dụng trong các ngành, lĩnh vực sản xuất còn bất cập, hạn chế, dẫn đến có mức tiêu thụ điện, tiêu hao nhiên liệu cao.
Đặc biệt, các vướng mắc về tài chính là vấn đề nổi cộm tại các doanh nghiệp. Chúng tôi nhận thấy, những vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp và các cơ sở sử dụng năng lượng đó là vấn đề tài chính để đầu tư vào các trang thiết bị để đáp ứng các mục tiêu tiết kiệm năng lượng đề ra trong Chỉ thị 20 của Thủ tướng.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang được Chính phủ giao rà soát luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và đề xuất các nội dung sửa đổi để nâng cao hiệu quả, hiệu lực thi hành của luật này. Theo đó, một trong những giải pháp quan trọng mà chúng tôi tập trung nghiên cứu để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ là xây dựng cơ chế tài chính để khuyến khích cho các cơ sở sử dụng năng lượng, các doanh nghiệp có thể tiếp cận được các nguồn vốn tin cậy và ưu đãi để đầu tư cho các giải pháp công nghệ tiết kiệm năng lượng, thay thế cho các dây chuyền, máy móc cũ chưa đem lại hiệu quả sử dụng năng lượng cao.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nghiên cứu để kiến nghị cấp có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung những mô hình kinh doanh trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, tạo ra một thị trường tiết kiệm năng lượng giúp huy động được các nguồn lực không chỉ từ ngân sách nhà nước mà còn từ  phía các doanh nghiệp khối tư nhân và các tổ chức quốc tế để hỗ trợ chúng ta đạt mục tiêu về tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính trong giai đoạn sắp tới.
Xin cảm ơn ông!
Minh Khuê