[In trang]
Để tiết kiệm điện thực chất và có hiệu quả
Thứ tư, 17/08/2022 - 14:52
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Dự thảo Kế hoạch tiết kiệm điện giai đoạn 2022 - 2025, EVN đã trình Thủ tướng Chính phủ bản Dự thảo Kế hoạch này, với rất nhiều nội dung đáng chú ý về công tác sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, trong đó nhấn mạnh vai trò của công tác truyền thông và trách nhiệm của người sử dụng điện trong việc tiết kiệm điện (TKĐ).
Phóng viên đã phỏng vấn ông Trần Viết Nguyên - Phó Trưởng ban kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Điện lực Phú Thị hướng dẫn khách hàng sử dụng điện đăng ký tham gia Chương trình thi đua “Gia đình tiết kiệm điện tỉnh Phú Thọ năm 2022” (Ảnh: ĐIện lực Phú Thọ) 
Thưa ông Trần Viết Nguyên, mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã trình Thủ tướng Chính phủ bản Dự thảo Kế hoạch tiết kiệm điện giai đoạn 2022 - 2025. Là Tập đoàn kinh tế Nhà nước thực hiện nhiệm vụ đảm bảo điện cho phát triển kinh tế và đời sống - xã hội. Xin ông cho biết các chương trình TKĐ trọng tâm đã triển khai trong giai đoạn 2010- 2021?
 

Ông Trần Viết Nguyên:
EVN đã bám sát các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương (Quyết định số 79/2006/QĐ-TTg ngày 14/4/2006 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về SDNLTK&HQ giai đoạn 2006 - 2015; Quyết định số 2447/QĐ-BCN ngày 17/7/2006 của Bộ Công nghiệp phê duyệt Chương trình quốc gia về DSM giai đoạn 2007 - 2015; Quyết định số 279/QĐ-TTg ngày 08/3/2018 về Chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện (DSM), giai đoạn 2018 – 2020, định hướng tới năm 2030; Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 về Chương trình quốc gia về SDNLTK&HQ giai đoạn 2019 - 2030; các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện: số 171/CT-TTg ngày 26/01/2011; số 34/CT-TTg ngày 07/8/2017 và số 20/CT-TTg ngày 07/5/2020), chủ động ban hành các chỉ đạo điều hành kịp thời, tổ chức triển khai tại các Tổng công ty Điện lực/Công ty Điện lực (TCTĐL/CTĐL) trực thuộc, đạt kết quả tiết kiệm điện cao.
 
Các chương trình tiết kiệm điện trọng tâm đã triển khai sâu rộng trong giai đoạn này, bao gồm: Tuyên truyền tiết kiệm điện; Quảng bá thay đèn sợi đốt, đèn huỳnh quang compact bằng đèn tiết kiệm điện; Hỗ trợ quảng bá lắp đặt bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời (thay thế bình đun nước nóng bằng điện); Giờ trái đất; Gia đình tiết kiệm điện; Thí điểm mô hình tiết kiệm điện trong nuôi tôm công nghiệp tại 9 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; Hỗ trợ hộ nông dân tại các tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang thay đèn sợi đốt bằng đèn huỳnh quang compact cho cây thanh long ra hoa trái vụ; Thí điểm tiết kiệm năng lượng bằng mô hình Công ty Dịch vụ năng lượng (ESCO); Thiết kế mẫu Hóa đơn tiền điện mới để khách hàng thực hiện việc tiết kiệm điện thông qua việc so sánh với mức bình quân sử dụng điện trong khu vực mình sinh sống; Lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại các trụ sở đơn vị trực thuộc EVN; Xây dựng các công cụ hỗ trợ tiết kiệm điện; Giảm tổn thất điện năng; Điều chỉnh phụ tải điện tự nguyện phi thương mại (DR); Đề xuất các cơ chế chính sách khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả….
 
Chúng tôi dự kiến một số chương trình trọng tâm để thúc đẩy sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm, giai đoạn 2022 – 2025, cụ thể như: Tuyên truyền sử dụng điện an toàn, hiệu quả và tiết kiệm: (i) tiếp tục phối hợp với các cơ quan truyền thông, các tổ chức chính trị, đoàn thể, hội, hiệp hội, đơn vị tư vấn từ trung ương tới địa phương tuyên truyền và tư vấn sâu rộng các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm; (ii) Phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Giải báo chí toàn quốc về đề tài tiết kiệm năng lượng hàng năm, trong đó trọng tâm là tiết kiệm điện; (iii) Phối hợp với Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức cuộc thi tìm hiểu về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả trên toàn quốc; Xây dựng tài liệu tuyên truyền, giáo dục về “kỹ năng sử dụng điện an toàn và tiết kiệm cho thiếu nhi”; tổ chức cuộc thi “ý tưởng, sáng kiến sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả trong thanh thiếu niên toàn quốc”; thi vẽ tuyên truyền về sử dụng điện. Đồng thời, tiếp tục tổ chức các chương trình giờ trái đất; Chương trình tiết kiệm điện đối với các cơ sở sử dụng điện từ 1 triệu kWh/năm trở lên; Chương trình DR, mục tiêu giai đoạn 2022 – 2025 điều chỉnh được tối thiểu 1.500MW công suất trở lên. 
Trong 14-15 chương trình/nhóm giải pháp TKĐ trong giai đoạn vừa qua, theo ông đâu là những giải pháp đem lại hiệu quả và là trọng tâm cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ trong thời gian tới, thưa ông? 
 
Ông Trần Viết Nguyên:
Có thể nói giải pháp “tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả” với phương châm “mưa dầm, thấm lâu”…là giải pháp tiết kiệm và hiệu quả nhất, để nâng cao nhận thức cộng đồng, người dân và doanh nghiệp ý thức và trách nhiệm trong sử dụng năng lượng nói chung, sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm và bảo vệ môi trường…
 
Mặc dù ghi nhận những kết quả đã đạt được, song báo cáo của EVN cũng cho thấy còn rất nhiều khó khăn và thách thức trong hoạt động TKĐ thời gian qua. Xin ông cho biết cụ thể về các khó khăn, thách thức này? 
 
Ông Trần Viết Nguyên:
Thứ nhất, nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ hoạt động tiết kiệm điện còn rất hạn chế, cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp chưa có tính khuyến khích cao. Bên cạnh đó khả năng thu xếp vốn của các ngân hàng trong nước còn hạn chế, còn lo lắng về rủi ro khi cho vay các dự án hiệu quả năng lượng. 
 
Thứ hai, nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vẫn còn hạn chế, chưa sẵn sàng tiếp cận với thông tin về công nghệ và các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm nghiên cứu và thực hiện các giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
 
Thứ ba, cơ cấu kinh tế chưa phù hợp, phụ tải của một số ngành, lĩnh vực tăng đột biến, vượt quy hoạch (như sắt, thép, xi măng, nuôi tôm công nghiệp …) nhưng vẫn sử dụng công nghệ cũ, tiêu tốn nhiều năng lượng, giá trị gia tăng không cao. 
 
Thứ tư, hoạt động thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả chưa hiệu quả, chưa phát hiện và xử lý được nhiều trường hợp vi phạm quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Công tác quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại các doanh nghiệp ở các địa phương còn thiếu sự kết hợp giữa các Sở, ban ngành.
 
Thứ năm, giá điện ở Việt Nam còn thấp so với thế giới và khu vực, dẫn tới khách hàng chưa quan tâm đúng mức việc tiết kiệm điện. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng tận dụng chính sách giá điện rẻ cho sản xuất công nghiệp để mang những nhà máy có công nghệ lạc hậu, hiệu suất thấp để sản xuất, xuất khẩu ở Việt Nam.
 
Trong 6 tháng đầu năm nay, EVN đặc biệt quan tâm đến các chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM) và điều chỉnh phụ tải điện (DR). Xin được hỏi ông vì sao EVN tập trung vào giải pháp này?
 

Ông Trần Viết Nguyên
: Ngoài các hoạt động tuyên truyền tiết kiệm điện thì các chương trình quản lý phía nhu cầu điện (DSM) và điều chỉnh phụ tải điện (DR) là các chương trình cụ thể, thiết thực để khuyến khích khách hàng tham gia các giải pháp để sử dụng năng lượng (điện) hiệu quả và tiết kiệm hơn. Đặc điểm của các chương trình DSM và DR, được thiết kế khoa học và hiệu quả, cụ thể là đánh giá được tiềm năng tiết kiệm điện của từng nhóm khách hàng, doanh nghiệp sử dụng năng lượng; Xây dựng, đề xuất được giải pháp tiết kiệm năng lượng/TKĐ cụ thể đối với từng nhóm/đối tượng khách hàng; Có thể đo lường, phân tích và đánh giá được hiệu quả tiết kiệm mạng lại của từng chương trình (hiệu quả tài chính của các giải pháp/chương trình); Có thể mở rộng áp dụng ở phạm vi lớn hơn, tạo được động lực và khuyến khích được nhiều khách hàng/doanh nghiệp tham gia các giải pháp sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm. Kiến nghị tới các cơ quan quản lý nhà nước có chức năng về các cơ chế chính sách khuyến khích áp dụng ở quy mô lớn.  
 
Tại Dự thảo Kế hoạch tiết kiệm điện giai đoạn 2022 – 2025 đã đặt ra mục tiêu cụ thể: “Giảm công suất đỉnh của hệ thống điện quốc gia thông qua thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM) và điều chỉnh phụ tải điện (DR) ít nhất 1.500MW vào năm 2025”. Theo ông đâu là giải pháp để đạt được?
 

Ông Trần Viết Nguyên:
Mục tiêu tiết giảm công suất đỉnh của hệ thống điện ít nhất 1.500MW vào năm 2025 mà EVN đặt ra, cao hơn so với quy định của Thủ tướng Chính phủ (1.000MW). Để đạt được mục tiêu này cần có các giải pháp phù hợp như: (i) tuyên truyền, vận động các khách hàng sử dụng năng lượng lớn (từ 1 triệu kWh/năm trở lên) tham gia thực hiện các sự kiện DR theo Thông tư 23/2017/TT-BCT; (ii) Theo dõi, giám sát các kết quả thực hiện các chương trình DR trên hệ thống công nghệ thông tin, cập nhật và thông báo tới khách hàng các thông tin về DR nhanh nhất và (iii) Kiến nghị Bộ Công Thương, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Tài Chính sớm ban hành cơ chế khuyến khuyến khích tài chính cho khách hàng khi tham gia DR, điều chỉnh biểu giá điện theo hướng khuyến khích khách hàng tham gia DR tự nguyện.    
 
Giải pháp đầu tiên trong Dự thảo Kế hoạch tiết kiệm điện giai đoạn 2022 - 2025 được EVN nhấn mạnh là công tác tuyên truyền tiết kiệm điện. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của các hoạt động tuyên truyền tiết kiệm điện?
 

Ông Trần Viết Nguyên:
“Tuyên truyền tiết kiệm điện” có vai trò vô cùng quan trọng với mục đích thông tin đầy đủ, chính xác, cập nhật các chủ trương của Nhà nước, các quy định có liên quan về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả; Tư vấn vấn mọi lúc mọi nơi trên các kênh thông tin, đặc biệt là các kênh t.tin mạng xã hội về các giải pháp, cách thức như thế nào để sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm. Tiết kiệm điện được xác định là giải pháp phải “đi trước một bước”. Đi trước để giảm áp lực đầu tư lên lưới điện, để sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, tránh lãng phí tài nguyên, tránh gây ô nhiễm môi trường… Tiết kiệm điện vì thế là vấn đề cấp bách không chỉ với ngành điện mà với cả nền kinh tế.
 
Trên kênh fanpage của EVN, nền tảng Facebook (Điện lực Việt Nam) đã đăng tải 54 nội dung với hình thức đa dạng (tin, bài, hình ảnh, infographic, video-clip), qua đó đã thu hút được gần 1,3 triệu lượt xem, mang lại hiệu quả truyền thông rất cao. Các Tổng công ty Điện lực/ Công ty Điện lực cũng đăng tải tổng cộng khoảng 130 nội dung tuyên truyền về TKĐ trên nền tảng mạng xã hội.
 
Kênh Youtube của EVN đã thực hiện đăng tải 10 clip tuyên truyền về tiết kiệm điện với trên 10.000 lượt xem; Kênh Tiktok của EVN mặc dù mới được đưa vào khai thác từ tháng 5/2022 cũng đã thực hiện 10 clip tuyên truyền về TKĐ thu hút trên 300.000 lượt xem. Các Tổng công ty Điện lực/Công ty Điện lực đã thực hiện 20 triệu lượt tin nhắn tin tuyên truyền tiết kiệm điện trong mùa nắng nóng tới các khách hàng thông qua các kênh Zalo, App CSKH của 05 Tổng công ty Điện lực; Thực hiện tư vấn trực tiếp cho trên 216.000 lượt khách hàng thông qua tổng đài CSKH của 05 Tổng công ty Điện lực.
 
Rất nhiều mục tiêu được đưa ra trong giai đoạn này, có nhiều điểm còn khá vướng về cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện. Ngay cả việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về TKĐ cũng được cho là còn nhiều rào cản… Việc Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả mới dừng lại ở việc khuyến khích tiết kiệm năng lượng là một ví dụ được nhiều chuyên gia nhấn mạnh. Vậy, theo ông cần có các sửa đổi/bổ sung gì (kiến nghị) để đạt được các mục tiêu về TKĐ giai đoạn 2022-2025 cũng như các năm tiếp theo?
 

Ông Trần Viết Nguyên:
Nghị quyết TW 55 – NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã khẳng định “Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội”. Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được ban hành từ năm 2010, tới nay đã hơn 11 năm triển khai, sự phát triển của khoa học và công nghệ không ngừng theo thời gian; các giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, theo đó cũng đã thay đổi nhiều trong 10 năm qua, song song là việc ban hành các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng thay đổi nhiều. Do vậy, việc sửa đổi Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả lần này hết sức quan trọng.
 
Đó là việc chuyển từ cơ chế “tự nguyện” sang cơ chế “bắt buộc”; Phân công rõ, trách nhiệm và vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước từ TW tới địa phương trong việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Mở rộng đối tượng chấp hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả các chương trình tiết kiệm điện để toàn thể nhân dân, các tổ chức, cá nhân, khách hàng sử dụng điện nhận thấy phải có trách nhiệm trong việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. 
 
Các hoạt động tiết kiệm điện phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, tạo nên ý thức tự giác trong mọi hoạt động của xã hội, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng phát triển bền vững; Toàn thể nhân dân, doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị tham gia và thực hiện các giải pháp sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm (theo tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị).
 
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Theo: Trang tin điện tử ngành điện