[In trang]
Phát triển năng lượng sinh học góp phần thực hiện cam kết COP26
Thứ tư, 16/03/2022 - 09:37
Ngày 15/3, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ đã phối hợp tổ chức hội thảo trực tuyến ‘Phát triển năng lượng sinh học Việt Nam góp phần thực hiện cam kết COP26’.
Sự kiện nằm trong khuôn khổ dự án “Bảo vệ Khí hậu thông qua Phát triển thị trường Sinh học bền vững tại Việt Nam” (BEM), do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo/Bộ Công Thương và Tổ chức GIZ phối hợp thực hiện. Dự án do Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên, An toàn Hạt nhân và Bảo vệ Người tiêu dùng của Liên bang Đức thông qua Sáng kiến ​​Khí hậu quốc tế (IKI) tài trợ.
Hội thảo đã tập trung vào phân tích tiềm năng của năng lượng sinh học tại Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp khả thi để thúc đẩy năng lượng sinh học phát triển giúp thực hiện cam kết COP26.
Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tuyến.
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Phương Mai - Phó Chánh Văn phòng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - chia sẻ: Việt Nam là một nước nông nghiệp, có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng sinh học. Việc tận dụng các nguồn tài nguyên để sản xuất năng lượng sinh học có vai trò quan trong góp phần việc phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, và bảo vệ môi trường. Theo dự thảo báo cáo Quy hoạch điện VIII, công suất lắp đặt năng lượng sinh khối đến năm 2030 của Việt Nam là 1.730 MW, tuy nhiên đến nay mới lắp đặt được 350 MW. Như vậy, từ giờ đến năm 2030, muốn đạt được mục tiêu trên, cần có sự vào cuộc của các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Ông Nathan Moore - Giám đốc Dự án BEM của GIZ bày tỏ mong muốn: Hội thảo là cơ hội thảo luận để tháo gỡ các rào cản nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng sinh học trong thời gian tới, góp phần thực hiện cam kết COP26 của Chính phủ, đóng góp vào các mục tiêu phát triển và năng lượng của Việt Nam, cùng nhau nỗ lực hướng tới một tương lai các-bon thấp.
Trong khuôn khổ hội thảo là các bài trình bày và phiên thảo luận về các chủ đề liên quan đến phát triển năng lượng sinh học và cam kết của Việt Nam tại COP26, do đại điện của các bộ ban ngành, chuyên gia trong nước và quốc tế chủ trì.
TS Lương Quang Huy, Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ôzôn, Cục Biến đổi khí hậu - Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết, Có thể thấy năng lượng sinh học tham gia ở hầu như tất cả các hoạt động phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam. Tuy nhiên, hiện chúng ta chưa có chính sách cụ thể nào hỗ trợ liên quan đến loại hình năng lượng này. Khó khăn đầu tiên để phát triển điện sinh khối là tài chính và công nghệ. Công nghệ không phải quá khó, Việt Nam có thể làm chủ, nhiều đơn vị đã và đang nghiên cứu, làm chủ công nghệ. Nhưng các chính sách của Chính phủ còn thiếu và các điều kiện cơ sở cho đốt rác, thu hồi khí, phát triển điện sinh khối thì chi phí còn rất cao so với các nguồn năng lượng tái tạo khác như gió, mặt trời…
Điện sinh khối vẫn cần cơ chế thúc đẩy đầu tư.
Theo bà Phạm Hương Giang - Phó Trưởng phòng Năng lượng mới và Năng lượng tái tạo, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), đến năm 2035, tiềm năng phát triển điện sinh khối từ trấu khoảng 370MW; gỗ củi, phụ phẩm lâm nghiệp 3.360MW; bã mía 470MW; rơm rạ 1.300MW, khí sinh học 1.370MW. Tổng tiềm năng các loại hình này là hơn 9.600MW. Tuy vậy, loại hình năng lượng này đang vấp phải nhiều rào cản, từ sự thiếu sự ổn định và bền vững trong cung cấp nhiên liệu, giá nguyên liệu… đến các cơ chế khuyến khích của Chính phủ chưa hấp dẫn. Việt Nam cũng đã có một số chính sách thúc đẩy nhưng đến nay, số nhà máy và tỷ lệ tham gia của điện sinh khối, điện rác vào hệ thống điện là rất thấp.
“Cần xem xét lại cơ chế chính sách để thu hút sự đầu tư cả về công nghệ và nguồn tài chính của chủ đầu tư tư nhân trong điện sinh khối. Có thể xem xét “thưởng thêm” cho các công nghệ tiên tiến, mang lại hiệu quả cao. Hiện nay, về cơ chế giá FIT, Bộ Công Thương đang thấy giá FIT cho điện sinh khối, điện rác chưa thực sự hấp dẫn, do vậy, cần xem xét lại trong thời gian tới” - bà Phạm Hương Giang nhấn mạnh.
Dự án BEM được thực hiện từ năm 2019 đến 2023 nhằm cải thiện các điều kiện tiền đề để sử dụng bền vững năng lượng sinh học cho sản xuất điện và nhiệt ở Việt Nam. Các hoạt động chính của dự án, gồm:
(i) Cải thiện khung pháp lý cho việc phát triển năng lượng sinh khối.
(ii) Nâng cao năng lực của các tổ chức tài chính, tổ chức liên quan, doanh nghiệp tư nhân và cá nhân tham gia vào quá trình phát triển này, và
(iii) Thúc đẩy hợp tác công nghệ, nghiên cứu và phát triển giữa các bên liên quan trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực năng lượng sinh khối.
Khánh An