Báo cáo chi tiết về chủ đề tiết kiệm năng lượng (Energy Efficiency 2021) do Cơ quan năng lượng quốc tế IEA công bố vào tháng trước khẳng định thế giới cần nỗ lực gấp đôi trong vấn đề này. Theo báo cáo, đầu tư toàn cầu vào hiệu quả năng lượng đang tăng trở lại.
Mặc dù Đại dịch Covid đã làm chững lại nhiều động kinh tế, khiến chi tiêu cho các dự án môi trường bị cắt giảm trong hai năm qua. Tuy nhiên, các nền kinh tế lớn đang phục hồi trên diện rộng, thúc đẩy tăng chi tiêu trở lại dành cho các biện pháp tiết kiệm năng lượng.
Báo cáo mới nhất của IEA về chủ đề này cho thấy đầu tư nhà nước và tư nhân vào hiệu quả năng lượng dự kiến sẽ tăng 10% trên toàn cầu, với trên 290 tỷ USD. Đây là mức chi tiêu kỷ lục mới. Báo cáo cũng cho thấy phần lớn trong số này tập trung vào giao thông và địa ốc.
Đầu tư cho hiệu quả năng lượng toàn cầu từ 2015 đến 10/2021. Nguồn: IEA.
Đầu tư hiệu quả năng lượng dự kiến từ năm 2021 trở đi. Nguồn: IEA.
Dữ liệu đối chiếu đến cuối tháng 10 cho thấy lượng vốn huy động từ các chương trình phục hồi nhằm vào các biện pháp năng lượng sạch sẽ tăng trung bình 400 tỷ USD/năm từ nay đến năm 2023. Trong đó, hơn một nửa mức tăng này dự kiến dành cho sử dụng năng lượng hiệu quả trong các tòa nhà, công nghiệp và giao thông carbon thấp.
Bên cạnh những mặt tích cực, báo cáo cũng chỉ ra một số trở ngại cơ bản.
Đầu tiên, để đạt được tham vọng về giảm phát thải carbon theo các mục tiêu mà Thỏa thuận Paris và tiếp sau đó là Hội nghị COP26 đề ra, đầu tư cho tiết kiệm năng lượng cần phải tăng gấp đôi so với mức hiện tại.
Tốc độ cải thiện cường độ năng lượng toàn cầu các năm so với kịch bản phát thải ròng bằng không của IEA. Nguồn: IEA.
Tiếp theo đó, báo cáo cũng cho biết mặc dù tiến bộ toàn cầu về hiệu quả năng lượng đã phục hồi bằng tốc độ trước đại dịch, nhưng vẫn chưa đủ nhanh để đảm bảo lộ trình an toàn khỏi một thảm họa khí hậu vào giữa thế kỷ này.
Năm 2020, với sự lây lan của dịch COVID-19, nền kinh tế toàn cầu chứng kiến sự dịch chuyển trọng lượng khỏi các hoạt động dịch vụ sang lĩnh vực công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng. Qua giai đoạn giảm tốc, giai đoạn tới dự báo tốc độ cải thiện cường độ năng lượng toàn cầu, một chỉ số quan trọng về hiệu quả sử dụng năng lượng cho hoạt động kinh tế, sẽ phục hồi lên 1,9%.
Theo nhà phân tích chính sách cấp cao tại IEA ông Nick Howarth thì mặc dù xu hướng sử dụng năng lượng hiệu quả trở lại đúng hướng trong năm nay, nhưng cần tăng gấp đôi trong vòng 10 năm tới để phù hợp với mức cải thiện hàng năm 4,2% mới theo kịp kịch bản phát thải ròng bằng không vào năm 2050 (IEA’s Net zero by 2050 scenario).
Ông Fatih Birol, Giám đốc điều hành IEA, cho biết các nhà hoạch định chính sách phải nỗ lực gấp đôi để giảm nhu cầu năng lượng, đặc biệt là năng lượng hóa thạch, trên toàn bộ các hoạt động kinh tế. “Một bước thay đổi trong hiệu quả năng lượng sẽ mang lại cơ hội ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu, đồng thời tạo ra hàng triệu việc làm ổn định và giảm hóa đơn năng lượng”, ông bình luận trên báo cáo.
Giám đốc IEA cho rằng hiệu quả năng lượng là "nhiên liệu đầu tiên" vì nó sạch, và trong hầu hết mọi trường hợp, là rẻ nhất để đáp ứng nhu cầu năng lượng toàn cầu.
Cho đến nay, đã có những tiến bộ ổn định về số tiền chi cho việc nghiên cứu hiệu quả năng lượng ở các quốc gia giàu có ủng hộ IEA. Cú sốc của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 cũng khiến một số chính phủ đổ tiền nhiều hơn cho các nỗ lực tiết kiệm năng lượng như một phần trong kế hoạch phục hồi.
Nghiên cứu cho thấy rằng đầu tư của nhà nước và tư nhân vào các chương trình hiệu quả đã giúp giảm lượng khí thải carbon và hóa đơn năng lượng trên toàn cầu. Nếu không có hành động để nâng cao hiệu quả, năm ngoái thế giới sẽ sử dụng năng lượng nhiều hơn 13% so với hai thập kỷ trước và lượng phát thải carbon liên quan đến năng lượng sẽ cao hơn 14%.
Theo IEA, nếu triển khai các cơ hội sử dụng năng lượng hiệu quả với chi phí hiệu quả hiện nay, nhu cầu năng lượng có thể giảm 15% vào năm 2040. Lĩnh vực giao thông chiếm tỷ trọng tiết kiệm năng lượng lớn nhất trong tương lai với 38%, tiếp theo là các tòa nhà và thiết bị (33%), và công nghiệp (29%).
Hiệu quả của các phương pháp trong việc cắt giảm CO2. Nguồn: IEA.
Trên thực tế, báo cáo gợi ý rằng tác động tổng hợp của tối đa hóa hiệu quả năng lượng trong những thập kỷ tới sẽ tạo ra nhiều tác động tích cực hơn về giảm phát thải carbon so với bất cứ phương pháp nào khác; như phát triển năng lượng tái tạo, sản xuất điện hạt nhân carbon thấp, thu giữ và lưu trữ carbon, hoặc bất kỳ chiến thuật cắt giảm phát thải nào.
Tuy nhiên, IEA lưu ý rằng các cam kết để đạt được những lợi ích này vẫn còn chắp vá trên toàn thế giới. “Chi tiêu tiết kiệm năng lượng được phê duyệt bởi các chính phủ là không cân bằng trong khu vực, với phần lớn chi tiêu đến từ các nền kinh tế tiên tiến”, theo nội dung báo cáo.
An Nhiên (theo Financial Times)