[In trang]
Kinh nghiệm triển khai mô hình ESCO tại Đan Mạch
Thứ sáu, 01/10/2021 - 09:35
Cùng với các hoạt động của Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong những năm gần đây, tại Việt Nam, thị trường các công ty dịch vụ năng lượng (ESCO) đang từng bước phát triển với những tiềm năng không nhỏ. Những mô hình hoạt động ESCO thành công của Đan Mạch là kinh nghiệm tốt cho Việt Nam.
Mô hình ESCO là đơn vị cung cấp dịch vụ năng lượng ESCO (Energy Service Company) sẽ cùng thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng với doanh nghiệp. Doanh nghiệp tham gia vào mô hình kinh doanh ESCO sẽ giảm thiểu được các rủi ro tài chính trong quá trình đầu tư thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Theo hình thức hợp tác này, doanh nghiệp có thể thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng, trong khi các đơn vị ESCO có thể tăng lợi nhuận nhờ vào sự chia sẻ lợi ích từ tiết kiệm năng lượng. Đơn vị ESCO và doanh nghiệp có mối gắn kết chặt chẽ và liên tục trong cả quá trình thực hiện dự án tiết kiệm năng lượng và lợi ích đem lại cho các bên chính là hiệu quả năng lượng tiết kiệm được.

ESCO là mô hình không mới đối với thế giới. Mô hình ESCO tại Đan Mạch rất thành công. Đan Mạch còn là nhà tài trợ lớn về năng lượng, tiết kiệm năng lượng của Việt nam. Với những kinh nghiệm triển khai ESCO của Đan Mạch, hy vọng sẽ là những kinh nghiệm quý báu để các doanh nghiệp Việt Nam triển khai các mô hình ESCO.

Năm 2006, Kalundborg là thành phố đầu tiên của Đan Mạch có hợp đồng ESCO. Sau đó là đến thành phố Gribskov và thành phố Middelfart. Ba thành phố này đã thành lập “mạng lưới ESCO” để cùng hợp tác và chia sẻ chuyên môn về mô hình ESCO, từ đó nhân rộng, phổ biến ESCO đến các thành phố khác của Đan Mạch.

Sau đó, trong các năm 2009 và 2010, 15 thành phố lớn của Đan Mạch đã có các hợp đồng ESCO. Các dự án ESCO thường được chia thành ba giai đoạn: Kiểm toán năng lượng (bao gồm dán nhãn năng lượng), Triển khai và Vận hành.

Ở cấp quốc gia, mô hình ESCO của Đan Mạch được xúc tiến trên hai phương diện: Thứ nhất là các hoạt động hiệu quả năng lượng trong các tòa nhà và thứ hai là cách để tăng cường quan hệ hợp tác công – tư. Vào năm 2009, Chính phủ Đan Mạch đã đưa ra một chiến lược năng lượng mới, khuyến nghị ứng dụng mô hình ESCO như một công cụ để giảm thiểu tiêu thụ năng lượng trong lĩnh vực công.

Trong đó, có sự khác biệt lớn về số lượng tòa nhà trong dự án ESCO (từ 10 đến 260 dự án), với mức trung bình 60 tòa nhà (hoặc 122.000 m2) cho mỗi hợp đồng. Hơn nữa, các khoản đầu tư vào các tòa nhà khác nhau, từ 22 euro/m2 đến 89 euro/m2, với mức trung bình là 49 euro/m2 (Khoảng 1,3 triệu VNĐ/m2) . Mức tiết kiệm năng lượng được đảm bảo trong các hợp đồng dao động từ 16% đến 31%, với mức trung bình là 21%.


Mức đầu tư (xanh), khoản tiết kiệm được (đỏ) và diện tích công trình (xanh lá) của 10 thành phố có các dự án ESCO tại Đan Mạch
Từ biểu đồ có thể thấy thành phố Kalundbord có mức đầu tư vào dự án ESCO (90 euro/m2) lớn trong số 10 thành phố nhưng khoản tiết kiệm năng lượng được đảm bảo dừng ở mức 20%. Trong khi thành phố Greve có mức đầu tư khiêm tốn, với 20 euro/m2 nhưng lại thu lợi được khoảng năng lượng tiết kiệm đảm bảo ở mức 18%, sát mức tiết kiệm năng lượng trung bình của cả 10 thành phố.

Một ví dụ điển hình về tính hiệu quả về mặt năng lượng của mô hình ESCO tại quốc gia này là dự án áp dụng tại trường đại học Roskilde vào năm 2015. Dự án bao gồm một hệ thống pin mặt trời lớn cung cấp 23% lượng điện tiêu thụ hàng năm của trường. Ngoài ra, dự án cũng sẽ tập trung vào lắp đặt kỹ thuật như tối ưu hóa hệ thống sưởi ấm, hệ thống ống nước, thông gió và chiếu sáng.

Dự án ESCO tại Đại học Roskilde bằng việc lắp đặt hệ thống ống nước, thông gió mới, nhà máy sưởi mới cùng hệ thống điện mặt trời tại tất cả các mái bằng trong khuôn viên trường
Theo tính toán, tổng lượng điện tiết kiệm của đại học Roskilde là 1.334.690 kWh/năm, tương đương 597.234 kg CO2 mỗi năm. Bên cạnh đó, sản xuất điện mặt trời ước tính lên tới 779.940 kWh/năm. Như vậy, trường đại học Roskilde có thể tiết kiệm 22,5% (bao gồm cả các tấm pin mặt trời) tiêu thụ năng lượng của mình. Khoản đầu tư 70 triệu Krone (248,6 tỷ VNĐ) dự kiến sẽ được hoàn trả trong 14,5 năm, giúp tiết kiệm gần 5 triệu Krone (tương đương 17,8 tỷ VNĐ).

Một ví dụ khác, năm 2016, bệnh viện Hvidovre ở Copenhagen và Siemens Đan Mạch với tư cách là đơn vị ESCO đã ký kết hợp đồng thực hiện dự án nâng cấp và tiết kiệm năng lượng tại đây. Về hệ thống chiếu sáng, thay toàn bộ 14.770 phụ kiện ánh sáng sang công nghệ LED mới nhất với cảm biến ánh sáng ban ngày với bộ điều khiển DALI, nâng cấp lên hệ thống quản lý tòa nhà thông minh hiện đại nhằm kiểm soát toàn bộ hệ thống kỹ thuật trong bệnh viện.

Về hệ thống quản lý năng lượng, bệnh viện sẽ có hệ thống quản lý năng lượng được lắp đặt với đồng hồ đo tự động cho phép nhân viên kỹ thuật theo dõi mức tiêu thụ năng lượng từng giờ. Phòng bệnh được điều khiển thông minh, 500 giường bệnh sẽ được lắp đặt một thiết bị đầu cuối, cho phép bệnh nhân điều khiển hệ thống chiếu sáng, hệ thống sưởi, hệ thống thông gió, rèm tùy ý. Đồng thời, bệnh viện sẽ có 8.000 m2 diện tích điện mặt trời được lắp đặt trên mái nhà với sản lượng 1,5 MWp ~ 1,2 GWh/năm.

Bệnh viện Hvidovre sẽ có hệ thống quản lý năng lượng được lắp đặt với đồng hồ đo tự động cho phép nhân viên kỹ thuật theo dõi mức tiêu thụ năng lượng theo giờ
Năm 2014, dự án ESCO do công ty lắp đặt kỹ thuật lớn nhất Đan Mạch, Kemp & Lauritzen làm đối tác đã giúp thành phố Skanderborg giảm chi phí năng lượng tối thiểu 4,8 triệu Krone (khoảng 17 tỷ VNĐ) mỗi năm. Việc lắp đặt trong các tòa nhà được giao cho Kemp & Lauritzen trong thời hạn 6 năm và với tổng vốn đầu tư của thành phố là 41 triệu Krone (tương đương 105,9 tỷ VNĐ) Dự án quy hoạch bao gồm 100 trong số 140 tòa nhà của thành phố, chủ yếu là các trung tâm chăm sóc và trường học.

Dự án ESCO do công ty lắp đặt kỹ thuật lớn nhất Đan Mạch, Kemp & Lauritzen làm đối tác đã giúp thành phố Skanderborg giảm chi phí năng lượng tối thiểu 4,8 triệu DKK (khoảng 17 tỷ VNĐ) mỗi năm.
Bên cạnh đó, một số thành phố của Đan Mạch (Kalundborg, Middelfart, Gribskov, København, Greve và Vallensbæk) đã áp dụng mô hình ESCO trong hệ thống và dịch vụ năng lượng như hệ thống sưởi. Loại hình công nghệ này tuy đơn giản và tương đối rẻ nhưng có tiềm năng tiết kiệm năng lượng cao và thời gian hoàn vốn ngắn. Ước tính, mô hình ESCO đã mang lại 68 triệu Krone (tương đương 241,5 tỷ VNĐ) cho các công trình áp dụng hình thức này.

Từ kinh nghiệm tại Đan Mạch cho thấy việc phát triển thị trường ESCO, với một môi trường chính sách thuận lợi có thể nhân rộng hiệu quả việc đầu tư vào các dự án TKNL. Sự tham gia của các ESCO vào thị trường TKNL sẽ giúp cung cấp các nguồn kĩ thuật, sắp xếp tài chính, chia sẻ rủi ro và tạo dựng niềm tin cho các doanh nghiệp công nghiệp và ngân hàng đầu tư vào các dự án TKNL.
Hà Trần