[In trang]
Ứng dụng công nghệ tưới mới giúp tiết kiệm nước hiệu quả
Thứ ba, 21/09/2021 - 10:52
Kỹ thuật tưới tiết kiệm nước là kỹ thuật tưới cung cấp nước hiệu quả nhất, góp phần tăng năng suất và sản lượng cây trồng một cách đáng kể. Vì vậy, yêu cầu phát triển công nghệ tưới tiết kiệm nước là rất cần thiết, sẽ mở ra triển vọng to lớn trong việc phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả, rau màu và các loại cây có giá trị kinh tế cao trên các vùng khan hiếm nước ở Việt Nam.
Một trong những nhược điểm của tưới truyền thống là vấn đề lãng phí nước. Gây đóng váng, xói mòn đất. Nguyên nhân do tưới một lúc quá nhiều nước, hoặc là nước ngấm không kịp tạo thành dòng chảy mặt, hoặc là đất ngấm quá lớn, đưa nước và chất hữu cơ xuống sâu khỏi tầng rễ cây, gây lãng phí. Công nghệ tưới tiết kiệm là tưới vừa đúng với nhu cầu nước của cây trồng, không có lượng nước thừa cũng như tổn thất trong quá trình tưới. Nhờ kết cấu đơn giản và vận hành tiện lợi nên tưới tiết kiệm nước có thể tăng được số lần tưới lên tùy ý và giảm khối lượng nước tưới mỗi lần.

Tưới tiết kiệm nước nông dân trồng cây ăn trái nhẹ công chăm sóc nhưng vẫn đạt được năng suất cao. Ảnh: LHV.
Để giải bài toán thiếu nước sản xuất vào mùa khô hạn, nhiều hộ nông dân ở ĐBSCL đã chủ động đầu tư, áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm bằng nhiều giải pháp như: Tưới phun trên cao, tưới phun xung quanh gốc cây và tưới nhỏ giọt… trên các loại cây trồng nhằm giúp giảm tối đa chi phí sản xuất, giảm lượng nước tưới, giảm công lao động. Đây cũng là kỹ thuật mở ra cách làm mới cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên cạn.

Anh Đào Huy Lực, ở ấp Định Khánh A, xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ trước đây canh tác 7 ha đất lúa, nhưng nhiều năm thấy không hiệu quả nên quyết định chuyển toàn bộ diện tích trồng lúa để lên bờ trồng sầu riêng xen canh với mít Thái. Anh Lực chia sẻ, trồng cây ăn trái quan trọng nhất là khâu nước tưới và bón phân đầy đủ. Vì vậy anh đã đầu tư hệ thống đường ống tưới nước tiết kiệm phun dưới gốc cây với chi phí đầu tư khoảng 300 triệu đồng. Hệ thống được phủ rộng trên toàn diện tích cây ăn trái của gia đình.
Hệ thống tưới nước tiết kiệm trên rau màu ở ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Sau nhiều năm triển khai thực hiện, mô hình đã mang lại nhiều tín hiệu khả quan. Anh Lực đánh giá, điểm nổi bật của công nghệ tưới phun dưới gốc là giúp tiết kiệm nước rất hiệu quả so với cách tưới lan truyền thống trước đây. "Chỉ cần mở khóa cho mô-tơ điện chạy, hệ thống nước được cung cấp trực tiếp tới gốc cây, giúp cây dễ dàng thấm sâu và hấp thụ, không bị thất thoát, bốc hơi", anh Lực nói. Ngoài ra, khi bón phân, chỉ cần hòa phân bón lẫn vào nước và cho vào bình chứa, sau đó tưới trực tiếp cho cây. Nhờ vậy, hạn chế được tình trạng phân bón rơi vãi, gây lãng phí. Mặt khác, tưới phun dưới gốc cây giúp giảm nhân công phun, tưới. 
Ông Nguyễn Văn Triều, ở cùng ấp với anh Lực, đang canh tác 3 ha nhãn Ido hữu cơ theo hình thức rải vụ và sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm tự động cho vườn nhãn nên mỗi vụ lợi nhuận từ 15 - 20 triệu đồng/công.
Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP. Cần Thơ cho biết: Cần Thơ hiện có trên 23.000 ha diện tích cây ăn trái, diện tích cây ăn trái thời gian gần đây tăng đáng kể nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật hiện đại nên mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, nông dân chú trọng đầu tư khâu tưới nước tiết kiệm, vừa phục vụ việc tái cơ cấu cây trồng cạn của địa phương để thích nghi trong điều kiện biến đổi khí hậu.  

Hiện ngành nông nghiệp rất quan tâm hỗ trợ, khuyến khích nông dân xây dựng các mô hình phun tưới nước tự động cho cây trồng trên cạn nhằm nâng cao hiệu suất tưới, góp phần tích cực vào việc quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước.

Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WB) thông qua dự án VnSAT, Sở NN-PTNT đã  phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình hiện đại hóa khâu tưới nước tiết kiệm trên cây ăn trái làm mô hình điểm để nhân rộng.

Mỗi loại kỹ thuật tưới tiết kiệm nước có những phạm vi áp dụng nhất định, kỹ thuật tưới nhỏ giọt thích hợp nhất khi tưới cho cây công nghiệp và cây ăn quả trồng theo hàng. Tưới phun mưa thường được áp dụng cho cây trồng mà yêu cầu tưới phun vào thân và lá như cà phê, các loại rau màu... Kỹ thuật tưới phun mưa cục bộ thích hợp nhất khi tưới cho các loại hoa, rau màu, cây ở vườn ươm trong nhà kính và ngoài đồng ruộng, cây ăn quả trồng dày không theo hàng.
Hà Trần