[In trang]
Sử dụng thiết bị điện tiết kiệm, an toàn
Chủ nhật, 20/06/2021 - 22:47
Các chuyên gia khuyến cáo gia đình nên chọn thiết bị có dán nhãn năng lượng, lắp đặt và vận hành đúng cách, tránh giờ cao điểm... để tiết kiệm điện.

Các chuyên gia khuyến cáo gia đình nên chọn thiết bị có dán nhãn năng lượng, lắp đặt và vận hành đúng cách, tránh giờ cao điểm... để tiết kiệm điện.

Thông tin được chia sẻ tại buổi tọa đàm "Cách tính hóa đơn tiền điện và sử dụng điện an toàn, tiết kiệm", diễn ra lúc 14h ngày 16/6 trên VnExpress. Chương trình có sự tham gia của Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Xuân Hồi - Giảng viên cao cấp Bộ môn Kinh tế năng lượng, Đại học Bách khoa Hà Nội; ông Trần Tuệ Quang - Phó cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công thương; ông Võ Quang Lâm - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam và ông Lê Văn Trang - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc.

Toàn cảnh buổi toạ đàm.

Trong buổi tọa đàm, các chuyên gia cho biết nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao vào mùa nóng, dẫn đến tình trạng hệ thống quá tải. Nhằm giảm bớt áp lực cho hệ thống điện, tiết kiệm điện năng, đảm bảo an toàn, hiệu quả khi sử dụng thiết bị điện, người dùng có thể tham khảo các lưu ý dưới đây.

Chọn mua thiết bị có nhãn năng lượng

Ông Võ Quang Lâm - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, liệt kê một số thiết bị điện gia dụng phổ biến gồm: tủ lạnh, TV, nồi cơm điện, lò vi sóng, điều hoà, bình nóng lạnh, quạt, đèn chiếu sáng. Trong một ngày, mức tiêu thụ phổ biến của các thiết bị điện vào khoảng:

- Tủ lạnh hoạt động liên tục: 2 -3 kWh

- Nồi cơm điện sử dụng 1,5-2 giờ: 0,75-1 kWh

- TV 40 inch bật liên tục 4 giờ: 1 kWh.

- Lò vi sóng sử dụng khoảng 20 phút: 0,3 kWh

- Bình nóng lạnh sử dụng 30 phút: 1-2 kWh

- Điều hòa nhiệt độ 12.000 BTU, dùng 6 giờ: 7,2 kWh

Như vậy, tổng điện năng tiêu thụ khoảng 14-15 kWh một ngày. Trong đó, điều hòa là thiết bị tốn điện nhất, chiếm khoảng 40-70% tổng điện năng tiêu thụ.

Muốn tiết kiệm điện, người dùng cần tính toán để lựa chọn tính toán, lựa chọn mua thiết bị điện của đơn vị sản xuất uy tín, có dán nhãn tiết kiệm điện, phù hợp với nhu cầu sử dụng.

Các dòng sản phẩm tiết kiệm điện sẽ có chứng chỉ Ngôi sao năng lượng Việt hoặc nhãn công nghệ ion, nano, inverter... Với điều hòa, những công nghệ này giúp tiết kiệm điện, chạy êm, ổn định nhiệt, làm lạnh nhanh và sâu.

Nhãn tiết kiệm điện dán cho các thiết bị được Bộ Công Thương cấp giấy chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng, đánh mức từ 1 đến 5 sao. Càng nhiều sao càng tiết kiệm năng lượng, sản phẩm dán nhãn 5 sao là sản phẩm tiết kiệm năng lượng nhất.

Ông Võ Quang Lâm (phải) và ông Lê Văn Trang.

Lắp đặt đúng cách

Ngoài việc lựa chọn thiết bị có dán nhãn tiết kiệm điện, công suất phù hợp với nhu cầu sử dụng, ông Trần Tuệ Quang - Phó cục trưởng Cục điều tiết Điện lực nhấn mạnh việc lắp đặt thiết bị đúng cách cũng rất cần thiết, nhằm sử dụng điện tiết kiệm, an toàn và hiệu quả.

Cụ thể, dàn nóng điều hòa đặt ngoài trời nên chọn vị trí râm mát, tránh nơi kín gió, không có vật cản trước mặt. Dàn lạnh phải tránh nơi ánh sáng mặt trời trực tiếp chiếu vào, nơi có sự chênh lệch nhiệt độ cao như cửa ra, cửa sổ

Tủ lạnh không nên lắp đặt gần bình gas, không khí ẩm thấp nhiều bụi hoặc tiếp xúc trực tiếp với nước. Nên đặt tủ lạnh cách tường phía sau khoảng 10 cm và hai bên là 2 cm để đảm bảo không khí đối lưu xung quanh vì tủ lạnh cần tỏa nhiệt.

Đối với các thiết bị điện nói chung cần đảm bảo nguồn điện đủ công suất và điện áp. Không sử dụng chung ổ cắm với nhiều các thiết bị khác để tránh sự cố quá tải. Không sử dụng ổ điện bị lỏng hoặc để đầu dây điện hướng lên trên dễ gây chập điện, cháy nổ.

Ngoài ra, người dùng cần đọc kỹ hướng dẫn, các thông số vận hành, lắp đặt và vận hành thiết bị theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất. Thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng theo đúng quy định.

Tạo thói quen sử dụng thiết bị hợp lý

Ông Lê Văn Trang - Phó tổng giám đốc EVNNPC khuyên người dùng cần lưu ý khi sử dụng hai thiết bị hao tốn nhiều điện năng nhất trong gia đình là điều hòa và tủ lạnh. Điều hòa nên để nhiệt độ trong khoảng 25-28 độ C. Tủ lạnh không nên để quá nhiều thực phẩm, không đóng mở nhiều lần, không để thực phẩm còn nóng vào tủ lạnh.

Đặc biệt, nên tận dụng ánh sáng, gió mát tự nhiên để giảm việc sử dụng đèn chiếu sáng, thiết bị làm mát. Sử dụng rèm cửa để chắn ánh nắng ban ngày và dùng cửa sổ để đón gió mát vào ban đêm.

Khi đêm xuống, nhiệt độ sẽ giảm đáng kể so với ban ngày, thay vì sử dụng điều hòa suốt đêm, mở cửa sổ trong lúc ngủ sẽ tận dụng đươc luồng khí mát từ gió trời và điều hòa không khí trong nhà.

Phó giáo sư Bùi Xuân Hồi nói thêm, nhiệt độ điều hòa giảm 1 độ C tương ứng điện năng sử dụng sẽ tăng 3%. Vì vậy nên đặt điều hòa ở mức mát vừa đủ, không quá lạnh để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, tốn điện.

Có thể bật điều hòa kết hợp quạt để đối lưu gió đều trong phòng, đảm bảo phòng điều hòa luôn kín. Tránh để ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào cục nóng điều hòa. Thường xuyên vệ sinh tấm lưới lọc bụi và nên vệ sinh và bảo dưỡng định kỳ 3-6 tháng một lần. Nên tắt điều hoà nếu không sử dụng từ 30 phút trở lên. Khi thiết bị có dấu hiệu bất thường (máy kêu to, không có hơi lạnh, tự động bật tắt...), cần kiểm tra và sửa chữa, bảo trì.

Đối với tủ lạnh, cần hạn chế bật tắt, đóng mở nhiều lần trong ngày. Nhiệt độ bên trong tủ lạnh nên ở mức 3-6 độ C. Đối với chế độ đông lạnh thì để ở mức từ âm 15 độ C đến âm 18 độ C. Chú ý kiểm tra gioăng cao su thường xuyên, nếu bị hở thì bộ phận nén khí của tủ lạnh sẽ phải làm việc nhiều.

 

Phó giáo sư Bùi Xuân Hồi (trái) và ông Trần Tuệ Quang.

Hạn chế dùng nhiều thiết bị trong giờ cao điểm

Ông Trần Tuệ Quang - Phó Cục trưởng Cục điều tiết Điện lực cho biết, vào giờ cao điểm, nhu cầu sử dụng điện nhiều, hệ thống điện phải huy động hết hoặc gần hết công suất để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của phụ tải. Khi đó, ngành điện phải huy động nguồn từ nhiều nhà máy điện, thậm chí huy động cả nguồn điện chạy bằng dầu với mức chi phí cao.

Bên cạnh đó, nếu sử dụng các thiết bị tiêu tốn nhiều điện năng cùng lúc vào giờ cao điểm còn có thể làm hỏng các linh kiện bên trong thiết bị đó. Bởi khi dòng điện suy yếu cũng đồng nghĩa điện áp cung cấp không đủ để thiết bị hoạt động.

Vì vậy người dùng nên hạn chế sử dụng điện trong giờ cao điểm để giúp nguồn điện duy trì trạng thái ổn định, nâng cao chất lượng điện và bảo đảm sinh hoạt gia đình.

Lắp đặt điện mặt trời mái nhà

Một giải pháp tiết kiệm điện khác mà Phó giáo sư Bùi Xuân Hồi khuyên các gia đình nên thực hiện là lắp đặt điện mặt trời mái nhà. Ông nói, hệ thống điện này giúp làm mát cho ngôi nhà đồng thời cung cấp điện cho gia đình hàng ngày, khi không đủ có thể chuyển sang dùng nguồn điện lưới. Việc sử dụng điện mặt trời góp phần giúp giảm điện năng mua của ngành điện, tiết kiệm chi phí khi tránh lên bậc thang giá cao.

Ông khuyên gia đình lắp điện mặt trời dùng cho các thiết bị tốn nhiều điện như điều hòa và tủ lạnh, bình nước nóng năng lượng mặt trời. Đặc biệt vào mùa hè, thời tiết nắng nóng nhiều, nguồn năng lượng tại chỗ cũng nhiều hơn.

Điều chỉnh dựa trên mức điện dùng hàng ngày

Nhằm giúp khách hàng có thông tin về lượng điện năng tiêu thụ của các thiết bị điện, ông Võ Quang Lâm cho biết EVN vừa xây dựng công cụ ước tính mức điện năng tiêu thụ trên nền website.

Nguyên tắc tính toán là lấy công suất của thiết bị nhân với thời gian sử dụng trong ngày, nhân với 30 ngày sử dụng trong tháng, tính điện tiêu thụ của từng thiết bị cộng lại sẽ cho kết quả ước tính điện năng mà các hộ gia đình sử dụng trong tháng.

Sử dụng công cụ này, gia đình có thể chủ động ước tính điện năng tiêu thụ hàng tháng, biết được những thiết bị điện tiêu thụ bao nhiêu số điện (kWh). Qua đó áp dụng các giải pháp sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm như: thay thế các thiết bị hiệu suất thấp bằng thiết bị hiệu suất cao (ví dụ thay đèn compact bằng đèn LED), điều chỉnh thói quen, hành vi sử dụng điện của mình...

Công cụ được xây dựng với giao diện đơn giản, thân thiện phù hợp với các thiết bị phổ thông như điện thoại di động thông minh, máy tính. Nhờ vậy, mọi người dùng đều dễ dàng tìm hiểu, tính toán, sử dụng.

Ông Lâm nói thêm, từ 2015 EVN đã có trung tâm chăm sóc khách hàng. Hiện nay, có nhiều cách theo dõi về thông tin sử dụng hàng ngày, đăng ký dịch vụ... như truy cập trang thông tin, gọi điện, ứng dụng chăm sóc khách hàng, tổng đài tư vấn... Tổng công ty điện lực miền Bắc phát cũng thường xuyên cẩm nang sử dụng điện lực an toàn cho gia đình, hộ sản xuất.

Theo: Vnexpress