Rất nhiều gia đình đang mắc phải những sai lầm dưới đây khi sử dụng điện trong ngày nắng.
Áp dụng quá máy móc
“Tắt khi không sử dụng” là khẩu hiệu của đa số các chương trình tuyên truyền tiết kiệm điện. Tuy nhiên, nhiều gia đình lại áp dụng quá cứng nhắc - Cứ ra khỏi phòng, dù lâu hay nhanh cũng tắt hết thiết bị điện. Điều này làm cho một giải pháp rất hữu hiệu nhiều khi lại gây ra phản tác dụng. Bởi lẽ, một số thiết bị như điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, bóng đèn compact, nếu tắt/bật liên tục trong một thời gian ngắn không chỉ gây tốn điện nhiều hơn mà còn giảm tuổi thọ sản phẩm.
Chị Nguyễn Mai Đào (Hà Đông, Hà Nội) than thở: “Để tiết kiệm điện, tôi không dám để điều hòa chạy liên tục mà khi khởi động tôi để nhiệt độ thật thấp (khoảng 18-19 độ C) cho phòng nhanh mát. Sau khoảng 15 phút, tôi tắt điều hòa và bật quạt; đến khi phòng nóng lên lại bật điều hòa. Trung bình, cứ 15-20 phút phải bật/tắt một lần nhưng không hiểu sao, hóa đơn tiền điện vẫn không giảm, thậm chí còn tăng”.
Lý giải thắc mắc của chị Đào, nhân viên tư vấn của Công ty Electrolux Việt Nam cho biết, tắt/bật điều hòa liên tục không chỉ gây tốn điện mà còn khiến điều hòa nhanh hỏng, vì mỗi lần khởi động, máy phải tiêu tốn rất nhiều điện năng để làm lạnh không khí đạt đến nhiệt độ yêu cầu. Để tiết kiệm điện hiệu quả, nên duy trì nhiệt độ trong phòng ở mức ổn định từ 25-28 độ C. Ngoài ra, cũng không nên bật điều hòa 24/24h, vừa tốn điện vừa gây quá tải cho máy.
Tương tự, việc ngắt điện tủ lạnh khi không sử dụng trong một thời gian sẽ làm giàn nóng và giàn lạnh bị oxy hóa và nhanh hỏng. Ngoài ra, khi khởi động lại, tủ lạnh cũng “ngốn” rất nhiều điện năng để làm lạnh lại từ đầu. Theo các chuyên gia, chỉ nên ngắt điện tủ lạnh khi không sử dụng tủ từ 3 ngày trở lên.
Khác với bóng đèn sợi đốt, tuổi thọ của bóng đèn compact và huỳnh quang phụ thuộc vào số lần bật/tắt. Do đó, nếu chỉ ra khỏi phòng từ 5-10 phút không cần thiết phải tắt đèn.
Không sử dụng quạt điện cùng với điều hòa
Nhiều người cho biết việc sử dụng điều hòa và quạt điện có thể tốn gấp 2 lần điện năng, tuy nhiên đây lại là một trong số biện pháp làm mát căn phòng nhanh chóng và hiệu quả. Sử dụng quạt trong những phút đầu khi mới bật điều hòa sẽ giúp nâng cao khả năng lưu thông không khí lạnh và làm mát nhanh hơn. Ngoài ra, dùng quạt điện kết hợp còn giúp tiết kiệm điện hơn vì không phải cài đặt nhiệt độ ở mức quá thấp.
Tuy nhiên, chỉ nên sử dụng quạt trong khoảng từ 15 - 20 phút đầu khi mới khởi động điều hòa do khi không khí trong phòng đã lạnh thì dùng quạt không còn hiệu quả nữa mà còn gây tốn điện.
Chọn sai chế độ khi dùng điều hòa
Trên bảng điều khiển máy lạnh, chế độ thường được lựa chọn là Tự động (Auto), một số điều khiển có chế độ đặc thù như làm mát (Cool), làm khô (Dry), chế độ quạt (Fan)... Sử dụng sai chế độ là một trong những nguyên nhân khiến máy lạnh không làm đúng mục đích gây tăng tiền điện.
Bạn nên chọn chế độ Cool khi cần làm lạnh nhanh và giữ nhiệt độ phòng ổn định như mức đã được chọn ngay từ đầu. Chế độ Fan, máy làm lạnh sẽ tắt và quạt vẫn chạy. Chế độ này nên dùng khi cần lưu thông không khí trong phòng nhưng không cần làm lạnh.
Chế độ Dry sẽ được bật lên để làm giảm độ ẩm trong phòng. Chế độ phù hợp với những ngày mưa gió khi độ ẩm bên ngoài cao. Thời gian sử dụng chế độ này khoảng 1 - 2h đồng hồ.
Nếu sử dụng lâu dễ ảnh hưởng đến làn da như khô da tay, da cơ thể, khô giác mạc, khô niêm mạc mũi...
Dùng thiết bị tiết kiệm điện
Bạn vẫn sẽ thường thấy nhan nhản trên báo đài về việc quảng cáo các thiết bị tiết kiệm điện. Theo đó, người ta cho rằng những vật dụng như tivi, tủ lạnh… khi sử dụng vào các thiết bị này sẽ giúp giảm bớt 30 – 40% năng lượng điện tiêu thụ. Tuy nhiên, những loại thiết bị như thế này đa số vẫn chưa được kiểm định rõ ràng. Vì thế, nếu bạn sử dụng phải hàng “dỏm”, thậm chí chúng sẽ còn gây tốn điện hơn hoặc gây nguy hiểm cho người dùng.
Ngắt điện tủ lạnh khi không sử dụng
Việc ngắt điện tủ lạnh và không sử dụng trong một thời gian sẽ khiến cho các giàn nóng và lạnh bên trong máy bị oxy hóa và nhanh hỏng. Đồng thời, khi bạn khởi động lại thì tủ lạnh cũng sẽ tiêu thụ một lượng điện năng để làm lạnh lại từ đầu gây tốn điện.
Theo Báo Kinh tế & Đô thị