Trong vòng 10 năm, sau khi hoàn thành mục tiêu của Chương trình nhà ở xanh, các nhà chung cư sẽ tiết kiệm được khoảng 6,3 tỷ kWh điện, tương đương với 15,8 nghìn tỷ đồng.
Theo ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, Chương trình nhà ở xanh giúp các nhà chung cư tiết kiệm được khoảng 6,3 tỷ kWh điện.
Ngày 6/1, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) ký Biên bản ghi nhớ hợp tác xây dựng Chương trình Nhà ở Xanh Việt Nam.
Tại lễ ký kết, ông Hà Quang Hưng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, đây là sáng kiến kết hợp giữa hai mục tiêu về sử dụng hiệu quả năng lượng và phát thải thấp của Chương trình PEEB và phát triển nhà ở thương mại giá thấp của Chính phủ.
Theo tính toán của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, trong vòng 10 năm, sau khi hoàn thành mục tiêu của Chương trình nhà ở xanh, các nhà chung cư sẽ tiết kiệm được khoảng 6,3 tỷ kWh điện, tương đương với 15,8 nghìn tỷ đồng.
Đây là chi phí tiết kiệm đáng kể mà người mua nhà sẽ được hưởng nếu sử dụng hiệu quả năng lượng trong căn hộ chung cư. Ngoài ra, trong ngắn hạn, chương trình còn tạo được nguồn cung dồi dào về nhà ở thương mại giá thấp giúp cho người dân tiếp cận được nhà ở phù hợp với mức thu nhập – ông Hà Quang Hưng khẳng định.
Chương trình Nhà ở Xanh Việt Nam được xây dựng trong khuôn khổ chương trình Hiệu quả Năng lượng trong các Tòa nhà (FEEB) nhằm mang lại lợi ích cho thị trường nhà ở thu nhập trung bình với trọng tâm là phân khúc nhà ở thương mại giá thấp. Bản ghi nhớ hợp tác được ký kết sẽ góp phần thực hiện giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực công trình nhà ở.
Bộ Xây dựng và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) ký Biên bản ghi nhớ hợp tác xây dựng Chương trình Nhà ở Xanh Việt Nam.
Theo đó, GIZ và Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản sẽ phối hợp xây dựng và triển khai Chương trình Nhà ở Xanh Việt Nam, hướng đến nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính trong phân khúc nhà ở giá thấp; góp phần thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Ông Kia Fariborz - Cố vấn trưởng của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ cho rằng, là một nền kinh tế mới nổi, Việt Nam đang chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về nhu cầu mở rộng không gian và tiện nghi nhà ở do sự tăng trưởng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu với khoảng 50 triệu m2 sàn nhà ở năm 2019.
Tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính thông qua sử dụng năng lượng hiệu quả trong lĩnh vực xây dựng là rất lớn. Do đó, nỗ lực hợp tác này sẽ góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam.
Thông qua Chương trình Nhà ở Xanh Việt Nam, hợp tác giữa hai bên sẽ hỗ trợ thúc đẩy các chủ đầu tư tư nhân tham gia vào thị trường công trình xanh và hiệu quả năng lượng. Đồng thời, khuyến khích các ngân hàng thương mại trong nước phát triển sản phẩm tín dụng xanh cho cả chủ đầu tư và khách hàng mua nhà ở, cũng như các nhà cung cấp thiết bị, vật liệu xanh có liên quan trong phân khúc nhà ở thương mại giá thấp.
Theo: BNews