[In trang]
IEA: Điện mặt trời sẽ là 'vua mới' trên thị trường
Thứ tư, 11/11/2020 - 16:49
Năng lượng tái tạo, dẫn đầu là năng lượng mặt trời, có thể đóng góp 80% tăng trưởng trong sản xuất điện thập kỷ tới.

 

Năng lượng tái tạo, dẫn đầu là năng lượng mặt trời, có thể đóng góp 80% tăng trưởng trong sản xuất điện thập kỷ tới.

Báo cáo vừa công bố của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận định hiện tại, ở hầu hết quốc gia, việc tạo ra điện bằng năng lượng mặt trời đã rẻ hơn dùng than hoặc khí tự nhiên. Pin năng lượng mặt trời hiện là một trong những nguồn điện rẻ nhất lịch sử, nhờ công nghệ phát triển và các chính sách giúp giảm chi phí đầu tư. Thiết bị này có thể được lắp đặt tại cả hộ gia đình lẫn công ty.

Báo cáo của IEA đưa ra 3 kịch bản cho thị trường năng lượng toàn cầu, vốn đang chao đảo vì Covid-19. Khi tương lai của năng lượng hóa thạch bị đe dọa, triển vọng của năng lượng tái tạo lại ngày càng sáng sủa, dẫn đầu là năng lượng mặt trời.

Các tấm pin mặt trời trên mái một nhà máy của Yamaha Motor ở Ấn Độ. Ảnh: Bloomberg

Trong một kịch bản của IEA, nếu đại dịch được kiểm soát và nhu cầu năng lượng toàn cầu quay về mức tiền đại dịch vào đầu năm 2023, số hệ thống pin năng lượng mặt trời sẽ tăng mạnh, nâng công suất thêm 12% mỗi năm cho đến năm 2030. Năng lượng tái tạo đóng góp 80% tăng trưởng về sản xuất điện trong thời kỳ này, vượt than đá năm 2025 để trở thành nguồn điện chính.

Theo Tổ chức Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IREA), chi phí tạo ra điện từ pin năng lượng mặt trời quy mô lớn đã giảm từ 38 cent một Kwh năm 2010 xuống trung bình 6,8 cent năm ngoái. "Tôi nhận thấy năng lượng mặt trời sẽ là ông vua mới trên thị trường điện toàn cầu", Giám đốc IEA Fatih Birol cho biết, "Với các chính sách hiện nay, việc triển khai từ sau năm 2022 sẽ lập kỷ lục mới mỗi năm".

IEA cho rằng điện mặt trời vẫn sẽ là lựa chọn hợp túi tiền, kể cả trong bối cảnh đại dịch kéo dài, gây tác động lớn đến kinh tế toàn cầu và khiến tăng trưởng nhu cầu năng lượng xuống thấp nhất kể từ thập niên 30. "Nếu các chính phủ và nhà đầu tư tăng tốc hỗ trợ năng lượng sạch, sức tăng trưởng của cả điện gió và điện mặt trời sẽ còn ấn tượng hơn", Birol cho biết.

Nhiều công ty như BP và Royal Dutch Shell đã đưa ra các thay đổi chiến lược lớn, hướng tới các nguồn năng lượng có mức khí thải carbon thấp. Đây là tín hiệu đại dịch đang tạo ra những thay đổi lớn với thị trường năng lượng toàn cầu.

IEA cũng dự báo nhu cầu dầu sẽ không còn tăng trưởng trong thập kỷ tới. Nhu cầu năng lượng năm nay có thể giảm 5% và đầu tư vào năng lượng giảm 18%.

Theo Vnexpress