Covid-19 đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh tế Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung nhưng cũng mở ra hướng đầu tư hiệu quả, không chỉ cho doanh nghiệp mà còn có tác động tích cực đến môi trường.
Theo đó, Covid-19 đã làm nhu cầu năng lượng toàn cầu giảm 3,8% trong quý 1, và dự đoán sẽ tiếp tục giảm trong năm 2020. Đặc biệt những loại năng lượng truyền thống, vốn được xem là nguồn nhiên liệu chủ lực từ trước đến nay như than, dầu có mức giảm sút đáng kể. Nguồn năng lượng duy nhất vẫn giữ đà tăng trưởng dương là năng lượng tái tạo với mức tăng 1,5% trong quý 1 năm 2020.
IEA - Cơ quan Năng lượng quốc tế dự báo, xu hướng này sẽ tiếp diễn đến hết năm 2020, năng lượng tái tạo, trọng tâm là năng lượng mặt trời và năng lượng gió tiếp tục là nguồn năng lượng có khả năng chống chọi tốt nhất, bất chấp chuỗi cung ứng gián đoạn hay tình trạng trì hoãn hoạt động của nhiều ngành công nghiệp.
Nhu cầu sử dụng năng lượng sụt giảm, mặt khác lại có tác động tích cực cho môi trường, khi lượng phát thải khí CO2 trên toàn cầu sụt giảm ấn tượng. Trong thời gian giãn cách xã hội vừa qua, mức độ ô nhiễm của TP.HCM được hiển thị màu vàng (tương ứng với mức vừa phải) trên ứng dụng AirVisual thay vì màu đỏ cho chất lượng không khí ô nhiễm như trước đây.
Thậm chí ngay tại Hà Nội - top 10 thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới, chỉ số chất lượng không khí đã đạt mức trung bình - mức tốt cho sức khỏe.
Những tác động ấy, tuy trong nhất thời nhưng đã kịp có tác động không nhỏ tới kế hoạch sử dụng năng lượng của nhiều quốc gia trên thế giới. Giờ đây, năng lượng tái tạo trở thành xu hướng chủ đạo, giữ vai trò tiên phong trong công cuộc phục hồi kinh tế bền vững và lâu dài trên toàn cầu. Đúng như tờ Sun-Sentinel của Mỹ nhận định: “Cách tốt nhất để thúc đẩy nền kinh tế sau đại dịch chính là đầu tư vào năng lượng tái tạo”.
Đầu tư vào năng lượng tái tạo không chỉ là chủ trương của Chính phủ mà còn xuất phát từ ý thức của chính các doanh nghiệp. Sau “trận đòn đau” do làn sóng Covid-19 thứ nhất, các doanh nghiệp Việt đã không còn bị động mà đã chủ động “sống chung với dịch”, thực hiện “kinh doanh an toàn”, hướng đến sử dụng điện mặt trời thay thế cho điện truyền thống nhằm tối ưu chi phí.
Tính ưu việt của năng lượng tái tạo nói chung và năng lượng mặt trời nói riêng, bên cạnh vấn đề kinh tế còn là vấn đề công bằng với môi trường. Cùng với những đóng góp thiết thực và tích cực trong quá trình kiểm soát ô nhiễm, mỗi kWh điện được sinh ra từ hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái sẽ giảm một tỷ lệ đáng kể CO2 phát thải ra môi trường, thì đầu tư và khai thác lĩnh vực này còn là hướng đi thức thời, giúp nền kinh tế không chỉ đạt tình trạng phục hồi mà còn kiến tạo được giá trị phát triển bền vững cho tương lai.
Theo Báo Thanh niên