Nhằm giúp cán bộ quản lý thị trường (QLTT) hiểu thêm về quy phạm pháp luật và các quy định đối với công tác dán nhãn năng lượng, từ đó xác định đúng hành vi vi phạm, ngày 30/6, Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững - Bộ Công Thương (Vụ TKNL&PTBV) phối hợp Văn phòng Tổng cục QLTT đã tổ chức Hội nghị phổ biến văn bản quy phạm pháp luật và các quy định đối với công tác dãn nhãn năng lượng.
Tham dự hội nghị có đại diện Vụ TKNL&PTBV và 112 cán bộ, công chức của 19 Cục QLTT các tỉnh, thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai, Hòa Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa.
Tại hội nghị, đại diện Vụ TKNL&PTBV đã giới thiệu Chương trình dán nhãn năng lượng và Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dán nhãn năng lượng.
Ông Nguyễn Kỳ Minh - Phó Chánh Văn phòng Tổng cục QLTT phát biểu tại Hội nghị
Khi kiểm tra, kiểm soát các doanh nghiệp vi phạm liên quan đến nhãn năng lượng, các cán bộ QLTT cần áp dụng cơ sở pháp lý về Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày 17/5/2010; Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13; Nghị định 21/2011/NĐ-CP ngày 29/3/2011 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật và Nghị định 134/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Cụ thể, các hành vi vi phạm liên quan đến nhãn năng lượng bao gồm: Không thực hiện dán nhãn năng lượng cho sản phẩm bắt buộc; không báo cáo, báo cáo không đúng với cơ quan có thẩm quyền về sản phẩm phải dán nhãn năng lượng. Hay sử dụng nhãn năng lượng sai quy cách và tiếp tục dán nhãn năng lượng cho sản phẩm khi giấy chứng nhận hết hạn; dán nhãn năng lương không đúng cho sản phẩm được chứng nhận, hoặc cho sản phẩm chưa được chứng nhận; cung cấp thông tin sai trên nhãn năng lượng so với giấy chứng nhận; sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm thuộc danh mục bị loại bỏ.
Ngoài ra còn có các hành vi vi phạm khác như cản trở người có thẩm quyền thi hành công vụ; không thực hiện yêu cầu của người có thẩm quyền; tự tháo gỡ niêm phong, tẩu tán tang vật, tiêu thụ tang vật hoặc trì hoãn, trốn tránh thi hành quyết định thanh, kiểm tra.
Với những hành vi vi phạm trên, lực lượng chức năng có thể xử phạt vi phạm hành chính. Trong đó, thẩm quyền xử phạt của QLTT đối với kiểm soát viên thị trường đang thi hành công vụ có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 500 ngàn đồng. Đội trưởng Đội QLTT có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 25 triệu đồng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.
Đối với Cục trưởng Cục QLTT địa phương có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 50 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả. Đối với Tổng cục QLTT có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến mức tối đa đối với lĩnh vực theo quy định, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.
Sau khi tịch thu tang vật, cán bộ QLTT lấy mẫu thử ngẫu nhiên, lập biên bản, niêm phong với sự tham gia của QLTT, Vụ TKNL&PTBV, Sở công Thương… và gửi thiết bị tới phòng thử nghiệm. Kết quả tình hình QLTT sẽ tổng hợp các thông tin để chia sẻ cùng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững. Vụ TKNL&PTBV là đầu mối báo cáo lên Bộ Công THương về tình hình và kết quả kiểm tra. Căn cứ vào kết quả kiểm tra, Bộ Công Thương sẽ cân nhắc các biện pháp xử lý tiếp theo trên cơ sở các quy định hiện hành.
Minh Sơn t/h