[In trang]
Điện mặt trời trên mái nhà - Giải pháp tiết kiệm điện hiệu quả, ích nước, lợi nhà
Thứ hai, 08/06/2020 - 09:43
Theo ghi nhận, nhu cầu về ĐMTMN ngày càng cao cũng như những chính sách mới về giá mua điện đã tác động không nhỏ đến tốc độ phát triển ĐMTMN trong khoảng một năm trở lại đây.

Những năm gần đây, việc lắp đặt những tấm pin điện mặt trời trên mái nhà bắt đầu xuất hiện và trở nên khá quen thuộc với nhiều doanh nghiệp và hộ dân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Điện mặt trời trên mái nhà (ĐMTMN) được Chính phủ quan tâm và khuyến khích doanh nghiệp cũng như người dân đầu tư sử dụng. Theo ghi nhận, nhu cầu về ĐMTMN ngày càng cao cũng như những chính sách mới về giá mua điện đã tác động không nhỏ đến tốc độ phát triển ĐMTMN trong khoảng một năm trở lại đây.

Ngành điện hỗ trợ, khuyến khích phát triển ĐMTMN

Cơ chế khuyến khích của Chính phủ và sự phối hợp của ngành điện

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trởi (ĐMT) tại Việt Nam. Theo đó giá bán điện từ các nhà máy ĐMT, bao gồm cả từ trang trại ĐMT và ĐMTMN là 9.35 US cent/kWh, nếu theo tỷ giá chuyển đổi năm 2017 là 2.086 đồng/ kWh. Sau đó, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 16/2017/TT-BCT ngày 12/9/2017 quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án ĐMT. Quy định này khuyến khích và hướng dẫn bên mua điện và bên bán điện lập hợp đồng mua bán điện trên cơ sở hợp đồng mẫu được Bộ Công thương ban hành.

Để khuyến khích hơn nữa việc phát triển ĐMTMN, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 02/2019/QĐ-TTg ngày 8/1/2019 về sửa đổi một số điều của Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017. Theo đó, thay vì hộ đầu tư ĐMTMN chỉ bán phần dư của điện từ nguồn ĐMTMN qua cơ chế bù trừ, thì sẽ được bán toàn bộ lượng điện sản xuất từ ĐMTMN với giá ưu đãi, trong khi vẫn mua riêng rẽ điện từ điện lưới với giá bình quân 1.720 đồng/kWh qua điện kế 2 chiều được ngành điện lắp miễn phí. Mặc dù phải mua điện từ các nguồn ĐMT với giá cao hơn giá bán điện bình quân hiện hành, nhưng xuất phát từ lợi ích chung của xã hội, doanh nghiệp và người dân nên ngành điện đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, khuyến khích phát triển.

Mới đây, Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg thay thế cho Quyết số 11/2017/QĐ-TTg đã hết thời hạn hiệu lực để kịp thời có cơ chế khuyến khích phát triển các dự án ĐMT trong dài hạn. Như vậy, ĐMTMN là năng lượng tái tạo được Nhà nước hỗ trợ phát triển, ký hợp đồng mua lâu dài lên đến 20 năm với giá cao, tức 8.38cent/1kWh, quy đổi theo tỷ giá hiện hành là 1.943 đ/kWh.

Lợi ích của điện mặt trời mái nhà

Ưu điểm của ĐMT là nguồn năng lượng tái tạo thân thiện môi trường, không bị cạn kiệt, có lợi trong việc giảm áp lực lên phụ tải lưới điện, tiết kiệm chi phí phát triển đường dây truyền tải. Trong khi đó, ĐMTMN có tính chất phân tán, được tiêu thụ tại chỗ nhờ tận dụng được diện tích mặt bằng có sẵn. Vì vậy, phát triển ĐMTMN là một trong những giải pháp cực kỳ hiệu quả, góp phần giải quyết nhu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt. Nó còn giúp tiết kiệm chi phí tiền điện do không sử dụng nguồn điện lưới quốc gia, có chi phí vận hành và bảo trì thấp. Đặc biệt, việc phát triển ĐMTMN không tác động đến quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, huy động và khuyến khích được các thành phần trong xã hội tham gia vào đầu tư cung ứng điện.

Lắp đặt điện mặt trời mái nhà có nhiều lợi ích thiết thực

Ngoài ra, một lợi ích rõ ràng khi lắp pin năng lượng mặt trời trên mái nhà đó chính là khả năng cách nhiệt và bảo vệ ngôi nhà khỏi các yếu tố thời tiết như nắng, mưa, tia bức xạ... Những tấm pin năng lượng này có thể hấp thụ nhiệt, bức xạ độc hại, giúp căn nhà mát mẻ hơn, tiết kiệm chi phí điện năng tiêu thụ của thiết bị làm mát trong mùa nóng. 

Nguyên lý hoạt động và hiệu suất đầu tư

Hệ thống ĐMTMN gồm các tấm pin năng lượng mặt trời, bộ inverter nối lưới (bộ đổi điện) và một điện kế 2 chiều. Điện kế 2 chiều được lắp đặt để đo đếm điện năng tiêu thụ ở cả 2 chiều, đó là chiều nhận điện từ lưới điện lực và chiều phát điện mặt trời dư lên lưới. Khi công suất tải sử dụng bằng công suất do hệ pin mặt trời thì tải sẽ ưu tiên dùng hết công suất của hệ pin, lúc này, tải không cần dùng đến điện lưới. Khi hệ thống điện mặt trời tạo ra nhiều điện năng hơn mức đang sử dụng thì tải ưu tiên dùng năng lượng mặt trời, phần công suất thừa từ pin mặt trời bán lại cho ngành điện qua công tơ điện 2 chiều.

 Nguyên lý hoạt động hệ thống điện mặt trời nối lưới trên mái nhà

Các nhà cung cấp thiết bị tấm pin năng lượng mặt trời công bố tuổi thọ tấm pin từ 25-35 năm, thời gian bảo hành tấm pin lên tới 25 năm, các bộ biến đổi điện có thời gian bảo hành lên đến 10 năm. Vì vậy, công trình ĐMTMN có tuổi thọ lâu dài nhưng chi phí bảo trì lại thấp. Giá lắp đặt cho hệ thống khoảng 13-16 triệu đồng/1kWp, một hộ gia đình bình thường có thể chọn hệ thống có công suất lắp đặt từ 3-5kWp. Với mỗi kWp công suất lắp đặt có thể tạo ra được một lượng điện năng từ 4-5kWh mỗi ngày. Hiện nay, giá mua điện mặt trời theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg là 1.943 đồng/kWh, nếu khách hàng đầu tư một hệ thống điện mặt trời nối lưới trên mái nhà khoảng từ 3-5kWp, thì sau 6-8 năm sẽ thu hồi lại vốn đầu tư. Sau khoảng thời gian đó, khách hàng hoàn toàn được hưởng lợi vì tuổi thọ của hệ thống pin năng lượng mặt trời kéo dài từ 25-30 năm.

Tiềm năng và tình hình phát triển tại Quảng Bình

Thiên nhiên đã ưu đãi cho nước ta trải dài từ Bắc tới Nam quanh năm có nắng, là những cơ hội thuận lợi để phát triển nguồn năng lượng mặt trời. Do vị trí địa lý và khí hậu mà giá trị bức xạ của Việt Nam theo phương ngang dao động từ 897 kWh/m2/năm đến 2.108kWh/m2/năm, tương ứng giá trị 2,46 kWh/m2/ngày đến 5,77 kWh/m2/ngày. Theo đánh giá của Bộ Công thương, khu vực miền Trung và miền Nam có tiềm năng lớn về ĐMT với độ bức xạ đạt từ 4,2 - 4,8 kWh/m2/ngày.  Tính đến hết quý 1/2020, cả nước đã có 26.146 công trình ĐMTMN, với tổng công suất 521,8 MWp, sản lượng điện phát lên lưới tính riêng trong quý 1/2020 là 90,34 triệu kWh.

Riêng địa bàn tỉnh Quảng Bình đến nay đã có 179 công trình ĐMTMN của khách hàng với tổng công suất 1.400 kWp, sản lượng điện mặt trời phát lên lưới là 281.987 kWh, số tiền mua điện mặt trời là 547,9 triệu đồng. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã chú trọng đầu tư ĐMTMN và coi đó là giải pháp hiệu quả trong tiết kiệm chi phí phục vụ sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Trong ngành du lịch dịch vụ, tiêu biểu phải kể đến là Công ty Oxalic tại thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch khi công ty này đã đầu tư lắp đặt hệ thống pin năng lượng với công suất 100kWp, sản lượng phát ngược lên lưới trong năm 2020 là 9.140 kWh. Ngoài ra, Công ty TNHH PARADIZE Thiên Đường tại TP Đồng Hới cũng đã lắp đặt hệ thống ĐMTMN với công suất 70kWp, sản lượng phát ngược lên lưới tính được là 22.076 kWh; Công ty MASCO Việt Nam tại thị xã Ba Đồn với công suất 32 kWp, sản lượng phát ngược lên lưới đạt 7.533 kWh. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh loại hình du lịch, dịch vụ, việc sử dụng ĐMT ngoài giảm tải nguồn điện, tiết kiệm chi phí tiền điện còn là sự hướng đến mô hình “doanh nghiệp xanh”, “du lịch xanh” thân thiện với môi trường, tạo nên hình ảnh đẹp trong cộng đồng.

Hệ thống ĐMT công suất 70kWp của Công ty TNHH Paradize Thiên Đường

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất cũng không nằm ngoài xu hướng này. Là một trong những yếu tố cấu thành nên giá thành của sản phẩm, chi phí điện chiếm tỷ trọng không nhỏ bởi vì sản xuất là lĩnh vực cần tiêu tốn nguồn điện năng lớn. Để tăng tính cạnh tranh về giá thành, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có các giải pháp để áp dụng vào quy trình sản xuất, sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo. Công ty Gạch ngói cầu 4 tại Đồng Hới là đơn vị lắp đặt hệ thống ĐMT lớn nhất  tỉnh hiện nay với công suất 194 kWp, sản lượng điện phát ngược lên lưới trong 4 tháng đầu năm 2020 đạt 22.138 kWh. Ngoài việc tận dụng nguồn điện tại chỗ phục vụ sản xuất, đồng thời giảm chi phí tiền điện do không dùng điện lưới thì Công ty còn thu được gần 50 triệu đồng từ sản lượng điện dư thừa phát ngược lên lưới. Ngoài ra, theo thống kê hiện nay có hàng trăm hộ gia đình tại TP. Đồng Hới và các huyện, thị xã đã đầu tư lắp đặt ĐMTMN với công suất phù hợp quy mô hộ giá đình từ 3-10kWp.

ĐMTMN phù hợp cho tất cả mọi thành phần kinh tế, cá nhân, hộ gia đình, là hình thức đầu tư dễ thực hiện và có tính xã hội hóa cao. Hiện nay, diện tích mái nhà, mái công trình “nhàn rỗi” ở tỉnh Quảng Bình còn rất lớn. Với những lợi thế về điều kiện khí hậu, thời tiết, ĐMTMN sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho chủ đầu tư cũng như giảm chi phí mua điện cho các hộ gia đình trong mùa nắng nóng.

Theo: CPC