Một công trình sử dụng năng lượng mặt trời áp mái tại Thái Lan. Ảnh: Tạp chí NLSVN
Chính sách cải cách ngành năng lượng của chính phủ Thái Lan, được tiến hành từ thập niên 1990 đã hỗ trợ tăng trưởng cho các công ty năng lượng nước này. Chính phủ Thái Lan bắt đầu cho phép các công ty sản xuất điện quy mô nhỏ (1-90 MW), được bán điện thẳng vào mạng lưới điện quốc gia. Thái Lan cũng sớm ủng hộ các dự án điện khí mà giờ đây đang chiếm 60% tổng công suất điện của Thái Lan.
Vào năm 2012, Thái Lan là một trong những nước đầu tiên của châu Á giới thiệu chính sách hỗ trợ giá bán điện được sản xuất từ nguồn năng lượng mặt trời (feed-in tariffs), cho phép các công ty phát triển năng lượng mặt trời được trả thêm các khoản tiền bên ngoài giá bán điện bình thường khi bán điện cho nhà nước. Các chính sách tương tự cũng được áp dụng cho các lĩnh vực năng lượng tái tạo khác như điện gió, điện sinh khối, thủy điện quy mô nhỏ.
Trong khối ASEAN, Thái Lan là nước đầu tiên áp dụng biểu giá FiT năm 2016 (feedin-tariff - các mức giá áp dụng cho điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo để bán lên lưới hoặc sử dụng tại chỗ nhằm giảm tải cho lưới điện) cho năng lượng tái tạo; trong đó các dự án năng lượng mặt trời nhận được FiT cao nhất, với mức 23 cent/kWh cho 10 năm. Sau đó, chương trình này được thay thế bằng chương trình FiT 25 năm với giá 17 đến 20 cent/kWh tùy thuộc vào loại máy phát điện.
Theo Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế, Thái Lan xếp thứ 15 trong Tốp toàn cầu năm 2016, với công suất hơn 3.000 MW, cao hơn tất cả các nước ASEAN khác cộng lại. Dự kiến, công suất lắp đặt điện mặt trời tại đất Thái Lan đến năm 2036 là 6.000 MW. Kế hoạch phát triển năng lượng quốc gia Thái Lan (PDP) đã đặt mục tiêu phát triển năng lượng mặt trời trong 20 năm tới. Đó là hướng tới đạt 10.000 MW từ chương trình lắp đặt điện mặt trời tại hộ gia đình và 2.725 MW từ các nông trại năng lượng nổi tại 9 con đập dưới sự quản lý của Cơ quan phát điện Thái Lan (Egat).
Bên cạnh đó, trong 5 năm tới, chính phủ nước này dự kiến đầu tư 11,3 tỷ USD vào khí đốt tự nhiên và cơ sở hạ tầng năng lượng. Công ty năng lượng thuộc sở hữu nhà nước PTT là công ty lớn nhất trong lĩnh vực khí đốt tại Thái Lan có trụ sở tại Bangkok đã lên kế hoạch đầu tư 167,1 tỷ baht (1 bath tương đương 740 đồng) từ năm 2019 đến 2023, trong đó 44% sẽ được dành để mở rộng mảng kinh doanh khí đốt và củng cố cơ sở hạ tầng.
Việc Thái Lan tăng nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) sẽ giúp hấp thụ được lượng cung đang tăng lên ở thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi chiếm tới 72% nhu cầu LNG toàn cầu. Nguồn cung bổ sung chủ yếu đến từ Australia, Mỹ và Qatar - những quốc gia cạnh tranh cho vị trí nước xuất khẩu LNG số một thế giới trong vài năm tới.
Không chỉ phát triển trong nước, các công ty năng lượng lớn của Thái Lan đã mở rộng hoạt động đầu tư ra các nước trong khu vực. Nhờ khởi động sớm và có quan hệ tốt với các nước láng giềng, Thái Lan sẽ là “một người dẫn đầu” về năng lượng tái tạo ở Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam và sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư vào những nước này. Cụ thể như Công ty phát triển điện mặt trời lớn nhất Thái Lan Superblock đang chuẩn vươn ra ngoài Thái Lan với kế hoạch đầu tư gần 1,8 tỉ đô la Mỹ vào các trang trại điện gió ở Việt Nam.
Trong khi đó, công ty phát triển điện gió lớn nhất Thái Lan Wind Energy Holdings đang có kế hoạch đầu tư vào các lĩnh vực điện mặt trời, điện sinh khối và thủy điện để nâng cao công suất sản xuất điện không chỉ ở trong nước mà còn ở Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Bangladesh và Úc.
Nằm trong lộ trình phát triển lĩnh vực LNG của Thái Lan, PTT đã thông báo về kế hoạch thành lập một điểm giao dịch LNG tại Singapore để mở rộng hoạt động kinh doanh loại nhiên liệu siêu lạnh này. Singapore đang trở thành một trung tâm giao thương của khu vực đối với mặt hàng LNG, cho dù Nhật Bản cũng vươn lên để cạnh tranh dữ dội.
Theo Tạp chí Năng lượng sạch Việt Nam