Tại cuộc tọa đàm “Xây dựng biểu giá bán lẻ điện: Phù hợp với lộ trình phát triển thị trường điện Việt Nam” diễn ra chiều ngày 6/3, nhiều đại biểu cho rằng việc lựa chọn biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt ở mức 5 bậc thang mới được Bộ Công Thương đề xuất là hợp lý nhưng cần nghiên cứu, xem xét thêm về các bước nhảy giữa các bậc thang để tạo áp lực về giá ở những bậc cao và tăng tính khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm từ các hộ tiêu dùng.
Lựa chọn 5 bậc thang, phương án khả thi
Trước đó, Bộ Công Thương đã đề xuất điều chỉnh biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt ở mức 5 bậc thang thay vì 6 bậc thang như hiện hành. Việc cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện được thực hiện trên cơ sở chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ về xem xét đổi mới cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho khách hàng dùng vào mục đích sinh hoạt. Cụ thể, Bộ Công Thương đề xuất 5 phương án bao gồm: 1 bậc, 3 bậc, 4 bậc và 5 bậc; trong đó phương án 5 bậc có 2 kịch bản.
Nói rõ hơn về việc lựa chọn phương án nêu trên, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) - cho biết, để xem xét các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, Bộ Công Thương đã thống kê thực tế sản lượng điện của các khách hàng trong thời gian vừa qua.
Theo đó, khoảng hơn 1,2 triệu khách hàng dùng dưới 50 kWh/tháng; khoảng trên 18 triệu hộ, chiếm 72% khách hàng dùng từ 50-300 kWh/tháng, tương ứng khoảng 60% tổng sản lượng. Số khách hàng trên 700 kWh/tháng so với lần khảo sát năm 2015 đã tăng lên đáng kể, chiếm khoảng 1,7% với sản lượng tiêu thụ khoảng 13%.
Với đề xuất trên, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá - cho rằng, các phương án mà Bộ Công Thương đề xuất đã tính toán kỹ nhằm mục tiêu cải tiến biểu giá bán lẻ điện. Bộ đã phân tích ưu nhược điểm từng phương án để chọn phương án khả thi nhất, hợp lý nhất. “Đương nhiên chúng ta khó kỳ vọng một biểu giá mà 100% người dân chấp nhận nhưng phải chấp nhận biểu giá nào mang lại lợi ích lớn, hài hòa nhất cho người tiêu dùng, ngành sản xuất điện và quản lý nhà nước. Bộ Công Thương hướng tới lựa chọn phương án 5 bậc thang cá nhân tôi cho rằng đó là phương án khả thi”, ông Thỏa nêu quan điểm.
Ông Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam - bày tỏ, giá điện bậc thang đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng như một công cụ hữu hiệu để điều tiết nhu cầu sử dụng điện, như Nhật Bản, Hàn Quốc... Ưu điểm của phương án nhiều bậc thang là những hộ chính sách, hộ nghèo tiêu thụ ít được ưu đãi, còn người dùng quá mức cần thiết thì phải trả tiền một số điện đắt hơn. “Điện được coi là hàng hóa đặc biệt, qúa trình sản xuất, truyền tải phân phối diễn ra đồng thời. Cơ quan điều độ khi huy động huy động nhà máy có giá thành rẻ trước, đắt sau. Hầu hết các nước trên thế giới đều áp dụng giá điện bậc thang nhằm phù hợp đặc điểm và khuyến khích tiết kiệm điện”- ông Trần Đình Long thông tin thêm.
Ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, với mỗi phương án đưa ra Bộ Công Thương đều có tính toán, so sánh về số tiền khách hàng ở mỗi bậc thang phải chi trả so với phương án 6 bậc đang được áp dụng. Tất cả các phương án được đưa ra đều có ưu điểm là giảm số bậc thang so với quy định hiện hành. Tuy nhiên, các phương án 1 bậc, 3 bậc, 4 bậc đều có nhược điểm chung là các khách hàng ở mức thấp đều phải trả nhiều tiền hơn, còn khách hàng sử dụng nhiều điện lại phải trả ít đi.
Cụ thể, với phương án 1 bậc, 2 bậc và 3 bậc thì các khách hàng sử dụng dưới 300 kWh/tháng, chiếm tỷ lệ 87% khách hàng lại bị thiệt, không thực hiện mục tiêu là khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả; đồng thời ngân sách nhà nước cũng phải hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ chính sách bị tăng lên.
Đối với phương án được Bộ Công Thương đề xuất lựa chọn 5 bậc, phương án này khắc phục được các nhược điểm nêu trên là hàng chục triệu khách hàng sử dụng dưới 250 kWh/tháng được hưởng lợi và trả tiền điện thấp hơn. Đặc biệt là các hộ nghèo, chính sách tiếp tục được nhà nước hỗ trợ, với khoảng 1,8 triệu hộ, tổng số tiền hỗ trợ trên 1.000 tỷ đồng/năm như hiện nay.
“Tuy nhiên, với phương án này, các hộ khách hàng sử dụng điện nhiều trên 700 kWh/tháng sẽ bị thiệt. Tổng số chỉ 0,46 triệu khách hàng, chiếm 1,8% tổng số khách hàng phải trả cao hơn”- ông Nguyễn Anh Tuấn nêu cụ thể.
Bộ Công Thương hướng tới lựa chọn phương án biểu giá điện 5 bậc thang
Băn khoăn khoảng cách giá giữa các bậc thang?
Theo ông Trần Đình Long, bước nhảy giữa các bậc thang cũng nên xem xét lại, để làm thế nào đảm bảo lợi ích không chỉ cho người sử dụng điện mà còn cả cho đơn vị điện lực trong sự phát triển ngành điện.
Ông dẫn chứng quốc tế có 2 cách: Một là làm sao bước nhảy giữa các bậc tương đối đồng đều như bậc thang. Hai là nếu muốn tác dụng điều tiết mạnh hơn, khuyến khích tiết kiệm điện hơn thì thiết kế bước nhảy tăng dần, các bậc sau phải trả giá cao hơn nhiều. Những nhà thiết kế biểu giá bậc thang cũng nên nghiên cứu xem xét xem kiểu gì có lợi nhất để đảm bảo lợi ích cho khách hàng và ngành điện.
Phân tích cụ thể hơn, ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng, phương án của Bộ Công Thương đưa ra không tăng giá bình quân, các bậc thang cũng hợp lý khi 98% số hộ dùng diện được giảm. Tuy nhiên, khoảng cách giá giữa các bậc thang là phải xem xét lại. Khoảng cách giữa 2 bậc đầu tiên, bước nhảy còn cao, bước 2 so với 1 tăng 19,95%, bước 3 so với bước 2 tăng 25,94%. Chính con số này khiến việc điều chỉnh giá điện năm trước tạo ra sự nhảy vọt về tiêu thụ điện của đa số người dân. “Bộ Công Thương, ngành điện cần rà soát chính xác tỷ trọng tiêu dùng điện từng bậc, những vấn đề về giá các bậc làm sao xây dựng bước nhảy hợp lý hơn” - ông Thỏa chỉ ra.
Liên quan đến việc điều chỉnh cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt có phải là tăng giá điện không? Đứng dưới góc độ Bộ Công Thương, ông Nguyễn Anh Tuấn giải thích, việc xây dựng biểu giá cải tiến lần này được Bộ xây dựng, đề xuất theo nguyên tắc xuyên suốt trong quá trình nghiên cứu, cải tiến biểu giá bán lẻ điện là đảm bảo không thay đổi giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt, đảm bảo thực hiện mức giá bán lẻ điện bình quân được duyệt tại Quyết định số 4495/QĐ-BCT ngày 30/11/2017 của Bộ Công Thương quy định về giá bán điện (áp dụng từ tháng 12/2017 và 2018) và Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019 của Bộ Công Thương quy định về điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và giá bán điện (áp dụng từ ngày 20/3/2019).
Theo đó, việc điều chỉnh cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho sinh hoạt chỉ thay đổi kết cấu sử dụng điện của từng bậc và giá điện cho từng bậc với mục tiêu đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thuận lợi cho hộ sử dụng điện cũng như thuận lợi cho quản trị doanh nghiệp; đảm bảo nâng cao tính công khai, minh bạch trong việc thực hiện giá bán điện; khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và công bằng xã hội; giảm bớt số bậc, thu hẹp biểu giá bán lẻ điện cho sinh hoạt với số bậc phù hợp với chênh lệch hợp lý giá điện cho các bậc nhằm hạn chế một phần tình trạng tiền điện phải trả của các hộ dân tăng đột biến trong những tháng chuyển mùa.
Theo: Kinh tế Việt Nam