Theo Bộ Công Thương, việc quy hoạch và danh mục phát triển các dự án điện gió phải được được thực hiện theo Quy hoạch phát triển điện lực, trong đó xác định tiềm năng và khu vực phát triển điện gió cho từng địa bàn. Các dự án điện gió chưa có trong quy hoạch phải được thực hiện thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực.
Mặt khác, khi phát triển các dự án điện gió được phê duyệt danh mục trong quy hoạch phát triển điện gió tỉnh giai đoạn 2011 - 2020, UBND tỉnh phải cập nhật quy hoạch đấu nối dự án điện gió vào hệ thống điện để đảm bảo truyền tải công suất dự án và khả năng hấp thụ hệ thống điện khu vực dự án.
Trong trường hợp phương án đấu nối dự án thay đổi, UBND tỉnh báo cáo Bộ Công Thương để thẩm định, phê duyệt, hoặc trình phê duyệt phương án đấu nối điều chỉnh của dự án điện gió theo thẩm quyền.
Bộ Công Thương giao cho Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo có trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện những quy định của Thông tư. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo phối hợp với các đơn vị, địa phương có liên quan xem xét và đề xuất Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung.
Ngoài ra, Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo cũng sẽ là đơn vị tổ chức đánh giá tiềm năng điện gió lý thuyết, tiềm năng điện gió kỹ thuật và tiềm năng điện gió kinh tế trên phạm vi cả nước, xác định phân bố tiềm năng theo vùng để đưa vào cơ sở dữ liệu phục vụ xây dựng nội dung về quy hoạch phát triển các dự án điện gió trong quy hoạch phát triển điện lực.
Đồng thời, chủ trì nghiên cứu và đề xuất cơ chế đấu giá phát triển điện gió áp dụng từ ngày 1/11/2021 báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Bộ Công Thương cũng giao cho Cục Công nghiệp sẽ chủ trì nghiên cứu và đề xuất quy định về cơ chế khuyến khích phát triển sản xuất thiết bị công trình điện gió trong nước, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong dự án điện gió báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Hà Lan