[In trang]
Thúc đẩy thị trường đầu tư hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam
Thứ sáu, 24/05/2019 - 15:50
60 đại biểu gồm Bộ Công Thương, Cơ quan năng lượng Hàn Quốc, đại diện các Sở Công Thương và Trung tâm tiết kiệm năng lượng các tỉnh, Tp khu vực phía Bắc; đại diện các doanh nghiệp công nghiệp tham dự sự kiện.

 

 
Ngày 24/5/2019, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo về phát triển các dự án tiết kiệm năng lượng trong khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy thị trường đầu tư hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam”. Tham dự hội thảo có đại diện các Sở Công Thương và Trung tâm tiết kiệm năng lượng các tỉnh, Tp khu vực phía Bắc; đại diện các doanh nghiệp công nghiệp, đơn vị kiểm toán năng lượng, đơn vị tư vấn trong lĩnh vực năng lượng, các ngân hàng thương mại cùng đông đảo cơ quan thông tấn báo chí, truyền hình đến đưa tin về sự kiện.
Dự án “Thúc đẩy thị trường đầu tư hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam” do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA). Cơ quan Năng lượng Hàn Quốc và Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững - Bộ Công Thương phối hợp triển khai thực hiện. Dự án tập trung vào việc hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp cho các đơn vị cung cấp dịch vụ năng lượng (gồm các Công ty dịch vụ năng lượng và các Trung tâm Tiết kiệm năng lượng, gọi tắt là ESCO) và các cán bộ quản lý nhà nước liên quan đến lĩnh vực tiết kiệm và hiệu quả năng lượng (TK&HQNL). Thông qua hình thức đào tạo, thực hành tại các dự án thí điểm, họ có cơ hội được triển khai tất cả các bước thực hiện dự án đầu tư TK&HQNL theo mô hình kinh doanh ESCO.
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững khẳng định: “Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (VNEEP3) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019. Dự án Thúc đẩy thị trường đầu tư hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam có ý nghĩa quan trọng, giúp thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong công nghiệp, góp phần đưa chương trình VNEEP đạt được các mục tiêu đề ra. Hội thảo nhằm phổ biến các hoạt động, kết quả triển khai của Dự án tới cộng đồng các doanh nghiệp công nghiệp và toàn xã hội, qua đó thúc đẩy phát triển thị trường đầu tư TK&HQNL ở Việt Nam”. 
Bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương phát biểu khai mạc hội nghị
Dự án gồm 3 hợp phần chính: Hợp phần 1: Xây dựng năng lực phát triển dự án đầu tư TK&HQNL trong công nghiệp; Hợp phần 2: Xác định các dự án đầu tư TK&HQNL trong công nghiệp (Giai đoạn thí điểm I); Hợp phần 3: Hỗ trợ thực hiện các dự án đầu tư TK&HQNL trong công nghiệp (Giai đoạn thí điểm II). 
Đối tượng thụ hưởng chính của dự án bao gồm: Các Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và các Công ty dịch vụ năng lượng, các cán bộ thuộc cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến việc quản lý lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm, những doanh nghiệp phải thực hiện kiểm toán năng lượng ba năm một lần theo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Ông Kim Jinoh, Giám đốc quốc gia KOICA Việt Nam 
Ông Kim Jinoh, Giám đốc quốc gia KOICA Việt Nam cho biết, “KOICA, với tư cách là cơ quan phụ trách viện trợ ODA của Chính phủ Hàn Quốc, đã làm việc với Bộ Công Thương và các bên có liên quan, nhằm hỗ trợ Việt Nam thực hiện thành công chương trình VNEEP. Dự án “Thúc đẩy thị trường đầu tư hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam” sẽ xây dựng những giải pháp kỹ thuật và tài chính, góp phần hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển bền vững và thực hiện cam kết của Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu”.
Thông qua việc đánh giá, tìm hiểu công nghệ tiết kiệm năng lượng của 2.409 doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm (Theo Quyết định số 1305/QĐ-TTg), dự án đã lựa chọn 10 doanh nghiệp thực hiện kiểm toán năng lượng dưới sự giám sát của các chuyên gia năng lượng Hàn Quốc. Các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác nhau như giấy, bột giấy; thức ăn chăn nuôi, thép, xi măng, hóa chất, lọc hóa dầu, dệt may. Kết quả, 108 giải pháp tiết kiệm năng lượng được đề xuất. Thực hiện các giải pháp, các doanh nghiệp có tiềm năng tiết kiệm chi phí khoảng 78 nghìn USD/năm (tỷ lệ tiết kiệm 4,8% tổng tiêu thụ năng lượng), với mức đầu tư dự kiến gần 200 nghìn USD, thời gian hoàn vốn 2,6 năm, cắt giảm 606 nghìn tấn CO2/năm.
Các chuyên gia năng lượng Hàn Quốc chia sẻ triển khai các dự án hiệu quả năng lượng
Hội thảo gồm 08 bái trình bày, tập trung vào các nội dung như: Thực trạng và tiềm năng tiết kiệm năng lượng tại các doanh nghiệp; Chia sẻ kinh nghiệm triển khai dịch vụ tiết kiệm năng lượng của ESCO. Ngoài ra, Bộ Công Thương giới thiệu đến các doanh nghiệp các nguồn tài chính có thể tiếp cận để đầu tư dự án tiết kiệm năng lượng. Với sự tham gia của các ngân hàng thương mại như VCB, BIDV, Techcombank, Vietinbank, doanh nghiệp sẽ dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn vay nhằm triển khai có hiệu quả các dự án tiết kiệm năng lượng. 
Đặc biệt, kinh nghiệm thực tế triển khai dự án tiết kiệm năng lượng tại 02 doanh nghiệp là Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn và Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại sẽ giúp doanh nghiệp công nghiệp có thêm nhiều thông tin hữu ích khi áp dụng  các giải pháp tiết kiệm năng lượng nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Ngay sau Hội thảo tổ chức tại Hà Nội, một hội thảo tương tự sẽ được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh nhằm phổ biến kết quả thực hiện dự án cho các đơn vị, doanh nghiệp khu vực phía Nam. 
10 doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm được lựa chọn thực hiện kiểm toán năng lượng, gồm có:
1. Công ty CP Giấy An Hòa
2. Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam
3. Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại
4. Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Hải Phòng
5. Công ty CP Cao su Đà Nẵng
6. Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn
7. Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh
8. Tổng Công ty Việt Thắng - CTCP
9. Công ty CP Gang thép Cao Bằng
10. Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn

Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững