[In trang]
Tối ưu hoá chi phí và cải thiệu hiệu quả năng lượng: Từ chính sách đến thực tiễn
Thứ ba, 18/09/2018 - 08:22
Ngày 12/9/2018, trong khuôn khổ Dự án “Chương trình năng lượng phát thải thấp Việt Nam (Dự án V-LEEP), Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương chủ trì tổ chức Hội thảo “Tối ưu hoá Chi phí và Cải thiệu Hiệu quả năng lượng: Từ chính sách đến thực tiễn”.

Ngày 12 tháng 9 năm 2018, trong khuôn khổ Dự án “Chương trình năng lượng phát thải thấp Việt Nam (Dự án V-LEEP), Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Vụ TKNL) thuộc Bộ Công Thương đã chủ trì tổ chức Hội thảo “Tối ưu hoá Chi phí và Cải thiệu Hiệu quả năng lượng: Từ chính sách đến thực tiễn” tại Hà Nội. 

Hội thảo nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp triển khai các giải pháp hiệu quả năng lượng, tuân thủ các quy định về tiết kiệm năng lượng thông qua các cơ chế, nguồn lực tài chính phù hợp. Tham dự hội thảo có đại diện của nhà tài trợ là Cơ quan hợp tác phát triển Hoa Kỳ (USAID), Các ngân hàng thương mại, đại diện các Hiệp hội ngành nghề (Dệt may, Giấy, Thép), các Doanh nghiệp công nghiệp và các công ty dịch vụ năng lượng ESCOs.

Phát biểu khai mạc, ông Trịnh Quốc Vũ, phó Vụ trưởng Vụ TKNL nhấn mạnh “Việt Nam đang đối diện với thực tế tăng trưởng nhu cầu năng lượng hằng năm cao gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng GDP trong giai đoạn 2011 – 2015. Đã có nhiều nỗ lực nhằm thúc đẩy và nâng cao năng lực thực hiện tiết kiệm năng lượng đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp, vừa đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia vừa bảo vệ môi trường, như Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đi vào thực thi được gần 10 năm đã đạt được một số thành tựu quan trọng trong ngành công nghiệp như: Xây dựng cơ sở dữ liệu các doanh nghiệp năng lượng trọng điểm; Ban hành các thông tư quy định định mức tiêu hao năng lượng trong một số ngành quan trọng như thép, giấy và bột giấy, đồ uống, hoá chất, nhựa,... Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất trong triển khai hiệu quả Luật và đạt mục tiêu tiết kiệm năng lượng, là thu xếp tài chính cho đầu tư hiệu quả năng lượng. Để giải quyết khó khăn này, Dự án V-LEEP sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các ngân hàng thương mại trong việc thẩm định dự án tiết kiệm năng lượng, doanh nghiệp công nghiệp và ESCO tiếp cận các nguồn tài chính phù hợp và hiệu quả.

Phát biểu chào mừng hội thảo, ông Đỗ Đức Tưởng, Cố vấn về Năng lượng sạch từ USAID nói, mục tiêu chung trong chương trình năng lượng sạch của USAID thực hiện tại Việt Nam là nhằm hỗ trợ Chính phủ tăng cường hơn nữa nền móng để phát triển hệ thống phát thải năng lượng thấp. Công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế Việt Nam hơn 15 năm qua và cũng là nguồn tiêu thụ năng lượng lớn nhất, do vậy, nâng cao hiệu quả sử dụng sẽ giúp đất nước giảm đi áp lực về năng lượng ngày càng tăng cao. Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu về tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp và được chia sẻ, song thu hút đầu tư trong lĩnh vực này còn khá khiêm tốn, đặc biệt là vai trò của các ngân hàng thương mại trong các dự án tiết kiệm năng lượng vẫn chưa được thể hiện đầy đủ. 

Hội thảo đã lắng nghe các bài trình bày từ các diễn giả và cùng thảo luận về các vấn đề như tầm quan trọng của Tiết kiệm năng lượng trong Tăng trưởng Xanh, các khung pháp quy liên quan đến tiết kiệm năng lượng mặc dù đã tương đối hoàn chỉnh và đầy đủ, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế trong việc thực thi Luật. Tại hội thảo, các doanh nghiệp công nghiệp và công ty ESCOs cũng đã có cơ hội trình bày các mô hình quản lý năng lượng thành công cũng như kinh nghiệm triển khai các dự án ESCOs cho đến nay. Mô hình triển khai các hoạt động năng lượng thông qua hình thức ESCO, có rất nhiều tiềm năng, nhưng cũng gặp không ít trở ngại như thiếu khung pháp lý, khó huy động vốn ngân hàng, khó khăn về tài sản đảm bảo khi vay vốn ngân hàng.

Rất nhiều chương trình hiện nay đã triển khai sang bước hỗ trợ thực hiện đầu tư các dự án tiết kiệm năng lượng trong một số ngành quan trọng ví dụ như chương trình NAMA trong ngành dệt may, đưa ra các giải pháp tiết kiệm năng lượng tiềm năng và kế hoạch triển khai các giải pháp trong thời gian tới. 

Trong thời gian tới, gói vay của WB (thông qua dự án Tiết kiệm năng lượng cho các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam – VEEIE) cùng với một loạt các chương trình hỗ trợ như quỹ đảm bảo GCF cho dự án tiết kiệm năng lượng, quỹ tài chính carbon được mong đợi sẽ hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của thị trường tiết kiệm năng lượng. Ngân hàng BIDV và VCB, là các ngân hàng sẽ giải ngân trực tiếp cho doanh nghiệp, với các chương trình tín dụng xanh. sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc triển khai các dự án tiết kiệm năng lượng.

Hội thảo cũng ghi nhận sự lắng nghe của Bộ Công thương đối với các ý kiến đóng góp từ doanh nghiệp công nghiệp, từ ESCOs, cũng như từ phía ngân hàng đối với các khó khăn khi triển khai các dự án tiết kiệm Năng lượng. Bộ Công thương, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, sẽ nghiên cứu, tiếp nhận các ý kiến đóng góp này để có thể phối hợp với các các Bộ ngành liên quan đưa ra các chính sách hỗ trợ triển khai các dự án tiết kiệm năng lượng một cách hiệu quả nhất.

Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam” gồm 3 hợp phần nhằm củng cố nền tảng cho các năng lượng phát thải thấp ở Việt Nam thông qua việc hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng chính sách, quy định hiệu quả, cơ chế khuyến khích phát triển phát thải thấp trong lĩnh vực năng lượng, đồng thời thu hút đầu tư công – tư trong phát triển năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả.

Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững