Theo dự báo, đến năm 2030, Thế giới sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu năng lượng trầm trọng. Tại Việt Nam, theo Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng TK&HQ Việt Nam, trong 10 năm tới, nhu cầu về năng lượng có thể tăng tới 60% và Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với các thách thức về thiếu hụt năng lượng trong tương lai gần.
Để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, ngoài việc chủ động đầu tư phát triển các cơ sở sản xuất năng lượng truyền thống và huy động các nguồn năng lượng mới thì một trong các biện pháp giúp giảm căng thẳng cung - cầu là sử dụng năng lượng TK&HQ.
Tiềm năng TKNL lớn
Thực tế cho thấy trong sản xuất công nghiệp, tình trạng lãng phí năng lượng rất lớn và hiệu quả sử dụng năng lượng còn rất thấp: tỷ suất năng lượng tiêu hao cho một đơn vị sản phẩm cao hơn nhiều không chỉ so với các nước tiên tiến, mà so cả với những nước trong khu vực. Năm 2015, chỉ số cường độ năng lượng của Việt Nam là 583, chỉ xếp sau Trung Quốc (650), nhưng cao gấp 3,8 lần so với Mỹ (158) và hơn 6 lần so với Nhật Bản (100).
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, các ngành công nghiệp Việt Nam có tiềm năng kỹ thuật về tiết kiệm năng lượng lớn, từ 25-40%. Tiềm năng tiết kiệm năng lượng của một số ngành công nghiệp cụ thể như sau: Công nghiệp xi măng 50%; Công nghiệp gốm 35%; Phát điện than 25%; Ngành dệt/may mặc 30%; Công nghiệp thép 20%; Chế biến thực phẩm 20%...Do đó, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có ý nghĩa rất lớn đối với chiến lược phát triển và đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam.
Đẩy mạnh giải pháp tiêu biểu, độc đáo và sáng tạo
Việc sử dụng năng lượng không hiệu quả trong công nghiệp có nhiều nguyên nhân như công nghệ lạc hậu, các thiết bị sản xuất cũ kỹ và chậm đổi mới hay tỷ lệ hao hụt quá nhiều trong khâu chuyển tải. Ngoài ra, công tác quản lý việc sử dụng năng lượng trong doanh nghiệp chưa được chú ý đúng mức và một điều quan trọng nữa là sự thiếu hiểu biết, chưa có ý thức tiết kiệm năng lượng ở doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nhận thức được tiềm năng rất lớn của ngành công nghiệp trong việc tiết kiệm năng lượng, Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng TK&HQ Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức Giải thưởng quốc gia về Hiệu quả năng lượng trong công nghiệp năm 2017 nhằm thúc đẩy, khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng TK&HQ, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thân thiện với môi trường.
Ngoài ra, Giải thưởng còn muốn tôn vinh, tuyên truyền, phổ biến các giải pháp sử dụng năng lượng TK&HQ đã áp dụng thành công trong cả nước, trong đó chú trọng các giải pháp mang lại hiệu quả bền vững, lâu dài và các giải pháp mang tính sáng tạo, độc đáo.
Đối tượng dự thi của Giải thưởng quốc gia về Hiệu quả năng lượng trong công nghiệp năm 2017 bao gồm tất cả các doanh nghiệp công nghiệp đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, để có thể tham dự giải thưởng, doanh nghiệp phải có mức tiêu thụ năng lượng từ 300 TOE/năm trở lên (tương đương với 2.000.000 kWh điện/năm) và đã thực hiện các giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong khoảng thời gian từ 2011 - 2016.
Các doanh nghiệp tham dự sẽ có cơ hội nhận được các giải thưởng như sau: Giải thưởng Giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tiêu biểu và Giải thưởng Giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả độc đáo, sáng tạo. Các doanh nghiệp đạt giải sẽ nhận được “Giấy chứng nhận Giải thưởng quốc gia về hiệu quả năng lượng trong công nghiệp 2017”, Kỷ niệm chương của Ban tổ chức cũng như được vinh danh trên các phương tiện báo chí, kênh truyền hình quốc gia, và trên website của Bộ Công thương http://Tietkiemnangluong.com.vn.
“Chúng tôi hi vọng rằng Giải thưởng quốc gia về Hiệu quả năng lượng trong công nghiệp năm 2017 sẽ giúp nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp trong cả nước về hiệu quả năng lượng, đồng thời ghi nhận và tôn vinh các doanh nghiệp đã thực hiện thành công các biện pháp tiết kiệm năng lượng”, ông Đỗ Hữu Hào – Chủ tịch Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam chia sẻ tại lễ phát động giải thưởng ngày 20/11/2017 vừa qua tại Hà Nội.
Ngọc Diệp