TPHCM có thể đạt 100 MW công suất các nguồn năng lượng sạch như điện mặt trời, điện từ rác, điện gió (năng lượng tái tạo) vào năm 2020 bởi hiện đang có nhiều nhà đầu tư quan tâm đầu tư vào lĩnh vực này tại thành phố, theo thông tin từ đại diện Sở Công Thương TPHCM tại buổi làm việc của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân tại dự án điện rác Gò Cát sáng nay (19-7).
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân (thứ hai từ phải sang) giám sát dự án điện từ rác Gò Cát sáng nay - Ảnh: Văn Nam
Trao đổi với TBKTSG Online sáng nay về tiềm năng năng lượng tái tạo của thành phố, đại diện Sở Công Thương cho biết, riêng nguồn điện mặt trời, mới đây Ngân hàng Thế giới khảo sát tại 1 triệu hộ dân các quận 1, 2, 3, 5, 7, 9, Phú Nhuận, Nhà Bè... và đánh giá có khoảng 50% mái nhà có tiềm năng lắp hệ thống năng lượng mặt trời. Song song đó, sau khi nhà nước quy định giá mua điện mặt trời thì nhiều nhà đầu tư cũng đăng ký đầu tư hệ thống thu hồi điện mặt trời từ các tòa nhà tại thành phố.
Còn một nhà đầu tư tài chính tại TPHCM qua trao đổi với TBKTSG Online sáng nay cũng tiết lộ họ dự kiến sẽ rót khoảng 40 triệu đô la Mỹ cho Công ty TNHH Thủy lực - Máy để đầu tư nhà máy điện từ rác thải tại Gò Cát, quận Bình Tân công suất 20 MW.
Đại diện nhà đầu tư tài chính nói trên nhận định dự án điện rác tại Gò Cát nếu được phê duyệt sẽ có hiệu quả kinh tế cao bởi nhà đầu tư thu lợi từ chi phí xử lý rác công nghiệp từ chủ nguồn thải, thu tiền điện phát lên lưới... với thời gian hoàn vốn xấp xỉ 5 năm.
TBKTSG Online từng thông tin, lượng rác thải tại TPHCM tăng bình quân 5% mỗi năm và đến nay nhiều bãi rác đã đóng bãi hoặc chuẩn bị đóng bãi. Thời gian gần đây, một số nhà đầu tư đề xuất đầu tư sản xuất điện từ rác, cho thấy nếu biết tận dụng thì rác thải cũng đóng góp nguồn năng lượng đáng kể cho thành phố. Ngoài ra, thành phố còn có tiềm năng điện gió tại Cần Giờ, điện năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối từ phụ phẩm nông sản và điện từ chất thải rắn.
Thống kê của Sở Công Thương cho thấy công suất năng lượng tái tạo tại TPHCM hiện vẫn còn khá khiêm tốn. Hiện chỉ có dự án phát điện từ rác tại Gò Cát công suất ban đầu khoảng 2,4 MW, điện mặt trời từ các tòa nhà công sở, hộ gia đình, doanh nghiệp cũng chỉ khoảng 1,5 MW và một số tổ máy đốt rác phát điện tại khu xử lý rác Đa Phước đang chạy thử nghiệm với công suất khoảng 2 MW và đến tháng 10-2017 này mới đấu nối lưới điện quốc gia.
Theo thesaigontimes