Bản phân tích mới đây từ công ty Frost & Sullivan cho thấy toàn bộ doanh thu của thị trường năng lượng mặt trời đạt 113,75 tỉ đô la năm 2015 và sẽ tăng trưởng với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm là 9,5% để đạt doanh thu 179,13 tỉ đô la vào năm 2020. Theo kết quả phân tích, công suất lắp đặt sẽ tăng từ 50.780 MW lên 76.600 MW với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm là 8,6% trong cùng kỳ.
“Những khuyến khích thúc đẩy năng lượng mặt trời cùng với cam kết được đưa ra gần đây tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đối khí hậu toàn cầu (COP 21) bảo đảm rằng thị trường quang điện mặt trời sẽ tiếp tục tăng trưởng theo cấp số nhân trong vòng 5 năm tới”, ông Pritil Gunjan, chuyên gia phân tích Nghiên cứu môi trường và năng lượng của công ty Frost & Sullivan cho biết. “Việc năng lượng tái tạo hòa lưới điện và đầu tư vào thúc đẩy lưu trữ năng lượng là những nhân tố khác có thể có thể bảo đảm sự tăng trưởng của thị trường”.
Theo bản nghiên cứu trên, về mặt địa lý, khu vực châu Á sẽ gia tăng điện mặt trời nhờ tăng trưởng kinh tế, quá trình đô thị hóa và điện khí hóa trên diện rộng:
Thị phần của khu vực châu Á sẽ tăng lên 64,1% vào năm 2020, trong đó Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản chiếm hơn 80% tổng công suất lắp đặt điện mặt trời đã được lên kế hoạch trong vòng 5 năm tới. Trung Quốc và Nhật Bản sẽ dẫn đầu với tỷ lệ FiT hấp dẫn và các chương trình giảm giá dựa trên công suất lắp đặt.
Khu vực Bắc Mỹ sẽ chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ với việc gia hạn cho sự hội đủ điều kiện tín dụng thuế đầu tư đối với các nhà sản xuất năng lượng mặt trời cho đến năm 2019. Những khuyến khích về tài chính, những tiến bộ về công nghệ cùng những mô hình cho thuê năng lượng mặt trời mới sẽ là những nhân tố quan trọng cho sự tăng trưởng.
Tuy nhiên, tăng trưởng của khu vực châu u sẽ bị giảm sút do cắt giảm trợ cấp. Công suất dư thừa lớn cùng với giá hệ thống năng lượng mặt trời giảm sẽ khiến cho các nhà cung cấp gặp khó khăn trong việc tạo ra lợi nhuận.
Các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng lưới điện, đặc biệt các lưới điện ở vùng sâu vùng xa, sẽ làm tăng nhu cầu ở các thị trường mới nổi như Mỹ Latinh và châu Phi.
“Diễn biến thời tiết cực đoan, dự trữ năng lượng sụt giảm và sự gia tăng công nghệ phát điện phân tán sẽ buộc các nhà máy điện phải tìm kiếm các mô hình mới hơn hỗ trợ thúc đẩy quản lý năng lượng và tiết kiệm năng lượng”, ông Gunjan cho biết. “Các đơn vị tham gia vào chuỗi cung ứng điện mặt trời được kỳ vọng sẽ phát triển những công nghệ mới có thể giảm chi phí và kết nối điện mặt trời với lưới điện”.
Ngọc Lan (theo renewableenergyfocus.com)