Các nhà khoa học Australia đã tìm ra cách nâng cao hiệu suất của pin li-ion bằng cách cho chúng "tắm muối".
Dù bạn có bảo quản pin li-ion của mình cẩn thận như thế nào thì các điện cực vẫn kém đi. Đó là lý do vì sao mọi người luôn luôn phàn nàn về hiệu suất kém của pin.
Tuy nhiên, vẫn có cách để cải thiện hiệu suất của pin li-ion. Các nhà khoa học trên khắp thế giới đã chứng minh điều này bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ của họ và những phát hiện mới.
Mới đây nhất, một nhóm các nhà khoa học đã tìm ra cách hạn chế sự suy giảm của các điện cực để từ đó nâng cao hiệu suất và tuổi thọ của pin li-ion. Giải pháp mà họ đưa ra là cho pin "tắm muối".
Nhóm các nhà nghiên cứu đền từ Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghiệp (CSIRO), Đại học RMIT, Đại học công nghệ Queensland đã thử nghiệm một phương pháp tiền xử lý độc đáo. Họ đặt các điện cực kim loại lithium trong một dung dịch gồm hỗn hợp muối lithium và chất lỏng ion. Dung dịch này tạo ra một lớp màng bảo vệ xung quanh các điện cực.
Kết quả đạt được thật đáng kinh ngạc. Sau bước tiền xử lý, sau một chu kỳ kéo dài 2.500 giờ liên tục, các điện cực không hề có dấu hiệu suy giảm. Nguyên mẫu mà nhóm các nhà khoa học phát triển chứng minh rằng họ đã đạt được bước đột phá trong việc nâng cao hiệu suất của pin li-ion: sau 1000 chu kỳ sạc/xả sạc, pin vẫn còn khoảng 99,5% hiệu suất Coulombic.
Bên cạnh đó, nhóm các nhà khoa học cũng tuyên bố rằng quá trình tiền xử lý này còn kéo dài tuổi thọ của pin chưa sử dụng. Rõ ràng là việc ngâm điện cực của pin trong dung dịch không hề gây ảnh hưởng đến hiệu suất của pin.
Phương pháp này rất đơn giản và hoàn toàn có thể đưa vào quy trình sản xuất hiện nay một cách dễ dàng.
Vậy liệu đây có phải là giải pháp làm chấm dứt sự thật vọng của người sử dụng xe ô tô điện hay điện thoại thông minh về hiệu suất kém của pin li-ion? Hi vọng rằng phát hiện mới này của các nhà khoa học Úc có thể được đưa vào ngành công nghiệp trong thực tế. Nhóm các nhà khoa học hiện đang tìm kiếm các đối tác thương mại, những người có thể giúp họ đưa loại pin siêu hiệu quả này ra thị trường.
Công nghệ này đã được CSIRO cấp bằng sáng chế.
Ngọc Diệp (Theo The Green Optimistics)