Ngày 6 tháng 6 vừa qua, tại Viện Tài nguyên thế giới, đại diện chính quyền, chuyên gia tài chính, nhà nghiên cứu và kiến trúc sư đến từ 23 thành phố khắp 5 châu đã tham gia hội nghị trao đổi về kinh nghiệm xây dựng đô thị hiệu quả năng lượng trong khuôn khổ Liên minh Thúc đẩy hiệu quả xây dựng, một tổ chức hợp tác liên chính phủ nhằm hỗ trợ các thành viên đạt được mục tiêu hiệu quả năng lượng của Liên Hợp Quốc vào năm 2030.
Trong suốt thời gian diễn ra hội nghị, đại diện 23 thành phố, gồm Belgrade, Bogota, Coimbatore, Dubai, Eskisehir, Medellin, Porto Alegre, Rajkot, Riga, Santa Rosa, Shimla, Tshwane, Da Nang, Brussels,… đã trình bày và thảo luận sôi nổi về những quy trình xây dựng hiệu quả năng lượng, đặc biệt là phương pháp cắt giảm 25-50% mức tiêu thụ năng lượng trong các công trình mới và hiện có. Đặc biệt, 6 trên tổng số 23 thành phố, gồm Belgrade, Bogota, Da Nang, Eskisehir, Raijot và Mexico City, sẽ tham gia chương trình “phòng thí nghiệm học tập” do BEA tổ chức, trong đó các chuyên gia kỹ thuật sẽ đến tận nơi hỗ trợ các thành phố này định hướng chính sách, lập kế hoạch hành động, kết nối các nhà thầu địa phương và chế tạo vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng.
Thành công quan trọng nhất của hội nghị năm nay là đại diện của các đô thị tham gia chương trình đã lựa chọn được 8 giải pháp chính sách thúc đẩy hiệu quả năng lượng trong xây dựng tại đô thị tối ưu và thống nhất sẽ tiến hành triển khai trong thời gian tới. 8 giải pháp này bao gồm:
1) Ban hành luật và tiêu chuẩn xây dựng hiệu quả với quy định tối thiểu về hiệu quả năng lượng trong 3 giai đoạn thiết kế, thi công và sử dụng công trình xây dựng nhằm giảm thiểu tối đa chi phí năng lượng trong suốt vòng đời của công trình: Đây là kinh nghiệm triển khai thành công của thành phố Brussels, Bỉ với hàng trăm toà nhà hầu như không tiêu thụ năng lượng được khánh thành trong suốt thời gian qua.
2) Cam kết mục tiêu cải thiện hiệu quả năng lượng tự nguyện: Nhiều cộng đồng địa phương, thay vì chờ đợi các động thái từ chính quyền trung ương, đã và đang tự đặt ra các mục tiêu về hiệu quả năng lượng cho những toà nhà thuộc sở hữu công cộng trong phạm vi của mình. Ngược lại, chính quyền cũng có thể đưa ra những mục tiêu cụ thể và khuyến khích khu vực tư nhân tự nguyện tham gia theo nhu cầu của chính mình. Thủ đô Tokyo, Nhật Bản là điển hình thực hiện thành công giải pháp này với một chương trình cap-and-trade gắn kết người thuê nhà và chủ hộ nhằm tiến tới mục tiêu giảm 17% lượng tiêu thụ năng lượng trong giai đoạn 2015-2019.
3) Thu thập thông tin hiệu quả năng lượng trong các công trình xây dựng nhằm đánh giá chính xác thực trạng tiêu thụ năng lượng và tạo cơ sở xây dựng hệ thống luật và tiêu chuẩn hiệu quả năng lượng: Với đạo luật địa phương số 84, thành phố New York, Mỹ đã đạt được bước tiến lớn trong lĩnh vực này khi toàn bộ các chủ sở hữu giờ đây phải báo cáo mức tiêu thụ năng lượng của họ với chính quyền, từ đó tạo cơ sở cho việc phát triển “công cụ xác định tiềm năng tiết kiệm năng lượng” trong xây dựng.
4) Xây dựng các chương trình hỗ trợ tài chính, khuyến khích người dân và doanh nghiệp vượt qua rào cản vốn để tham gia tích cực hơn vào công tác hiệu quả năng lượng: Tuy chỉ là một quốc gia nhỏ bé, song Armenia đã đi tiên phong trong lĩnh vực này với chương trình R2E2 hoạt động theo phương thức quay vòng, nhờ đó giảm bớt áp lực lên ngân sách nhà nước.
5) Chính quyền tiên phong thực hiện công tác hiệu quả năng lượng: Đây là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để khuyến khích người dân tham gia tích cực vào công tác năng lượng. Tại Argentina, việc chính quyền thành phố Buenos Aires tự cam kết và đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm thiểu 30% lượng tiêu thụ điện trong các công trình công cộng giai đoạn 2008-2030 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân.
6) Kết nối chủ thuê, cán bộ quản lý và cư dân trong các khu chung cư chung tay thực hiện công tác hiệu quả năng lượng: Nhiều khu chung cư tại Singapore đang trang bị cho người thuê và chủ nhà những bộ dụng cụ nhỏ nhằm giúp họ chủ động hơn trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến hiệu quả năng lượng trong căn hộ của mình.
7) Xây dựng kỹ năng và mô hình kinh doanh dịch vụ hỗ trợ đáp ứng nhu cầu thúc đẩy hiệu quả năng lượng: Chính quyền thành phố Bainbridge Island, Mỹ đang triển khai kế hoạch hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ hiệu quả năng lượng, đồng thời thường xuyên tổ chức các khoá tập huấn kỹ năng nghiệp vụ liên quan đến hiệu quả năng lượng cho các kiến trúc sư, kỹ thuật viên tham gia công tác xây dựng.
8) Nâng cao khả năng tiếp cận thông tin tiêu thụ điện cho người dân và hỗ trợ họ giảm thiểu lượng sử dụng điện: Tại Brazil, "Chương trình Năng lượng thông minh" của chính quyền yêu cầu các công ty điện lực phải cung cấp dữ liệu tiêu thụ điện cho các hộ gia đình để họ chủ động hơn trong công tác hiệu quả năng lượng. Bên cạnh đó, một số chương trình như Conviver cung cấp miễn phí thiết bị hiệu quả năng lượng cho các cộng đồng thu nhập thấp cũng đã bắt đầu phát triển mạnh.
Anh Tuấn (Theo WRI)