Số liệu từ Cơ quan Năng lượng tái tạo (IRENA) tiết lộ rằng số việc làm trong ngành năng lượng tái tạo đã tăng 5% trong vòng 12 tháng qua, vượt qua con số 8,1 triệu người. Nhân đây, báo điện tử Edie.net sẽ cho bạn biết thêm 10 sự thật thú vị về việc làm trong ngành năng lượng "xanh".
Theo bản báo cáo Renewable Energy and Jobs - Annual Review 2016, được IRENA phát hành ngày 25 tháng 05 vừa qua, trong năm 2015 số lượng việc làm trong ngành năng lượng tái tạo trên toàn thế giới tăng lên, trong khi đó số lượng việc làm trong ngành năng lượng nói chung lại giảm đi.
Trước đây, IRENA đã dự đoán rằng tăng gấp hai lần tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng toàn cầu có thể khiến số lượng việc làm trong ngành sẽ chạm mốc 24 triệu người vào năm 2030.
Báo điện tử Edie.net đã phân tích xu hướng thị trường hiện nay để mang đến cho bạn 10 thông tin về ngành năng lượng tái tạo dưới đây:
1. Bốn trên mười quốc gia tạo ra nhiều việc làm nhất trong ngành năng lượng tái tạo nằm ở châu Á
Theo thống kê của IRENA, Trung Quốc - quốc gia đang dẫn đầu châu Á về số lượng việc làm trong ngành năng lượng tạo tạo cùng Ấn Độ với 416.000 lao động, Nhật Bản với 388.000 lao động và Bangladesh đều nằm trong top mười quốc gia tạo ra nhiều việc làm nhất trong ngành năng lượng tái tạo. Số lượng việc làm trong ngành này của khu vực châu Á chiếm đến 60% tổng số việc làm của toàn thế giới.
Bangladesh có sự tăng trưởng lớn về số lượng việc làm trong ngành năng lượng tái tạo, với 141.000 người làm việc trong ngành này, lớn hơn nhiều so với Vương quốc Anh.
2. Số lượng lao động trong ngành năng lượng tái tạo của Trung Quốc nhiều hơn 1 triệu người so với ngành dầu khí
Trung Quốc vừa đưa ra kế hoạch kìm hãm sự phát triển của 200 nhà máy điện đốt than ít nhất cho đến năm 2018, kể cả nhà máy đang hoạt động và nhà máy chuẩn bị đi vào hoạt động.
Vì lý do đó mà so với ngành công nghiệp sản xuất điện năng truyền thống, ngành năng lượng tái tạo tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn. Số liệu của IRENA tiết lộ rằng số lượng việc làm trong ngành năng lượng tái tạo của Trung Quốc đã chạm mốc 3,5 triệu, vượt qua mức 2,6 triệu trong ngành dầu khí.
3. Số lượng việc làm trong ngành năng lượng gió của Mỹ tăng 21% trong năm qua
Với kế hoạch điện năng sạch của tổng thống Barack Obama, số lượng việc làm trong ngành năng lượng gió của Mỹ đã tăng lên đáng kể.
Trong khi số lượng việc làm trong ngành năng lượng gió trên toàn thế giới tăng 5% thì ở Mỹ tăng 21%. Hiện nay, ngành ngày đang sử dụng khoảng 88.000 lao động. Châu Âu, với một năm kỷ lục của ngành năng lượng gió của Vương quốc Anh, chỉ tạo ra được thêm 10.000 việc làm mới, tương đương với mức tăng trưởng 4%.
4. Số lượng lao động trong ngành năng lượng tái tạo của Đức bằng cả Vương quốc Anh, Italia và Pháp cộng lại
IRENA tiết lộ rằng Italia, Pháp và Vương quốc Anh đều đạt được những bước tiến lớn trong việc chuyển đổi hệ thống năng lượng nhưng tất cả các quốc gia châu Âu đều bị Đức bỏ xa.
Với 355.000 lao động, Đức có thể tự hào rằng ngành năng lượng tái tạo của mình phát triển bằng cả Pháp, Italia và Vương quốc Anh công lại.
5. Vương quốc Anh xếp thứ 9 thế giới về số lượng việc làm trong ngành năng lượng tái tạo
Dù số lượng lao động trong ngành năng lượng tái tạo của Vương quốc Anh không bằng Bangladesh, Vương quốc Anh vẫn lọt vào top 10 quốc gia tạo ra nhiều việc làm nhất trong ngành năng lượng tái tạo trên toàn thế giới. Dù lực lượng lao động trong ngành chỉ băng 1/3 so với Đức, Vương quốc Anh vẫn tiếp tục phát triển một ngành năng lượng tái tạo cân bằng.
Dù đưa ra những chính sách thiếu ổn định và cắt trợ cấp Feed-in tariffs (giá bán điện năng được sản xuất từ năng lượng tái tạo cung cấp cho lưới điện quốc gia), Vương quốc Anh hiện vẫn thu hút được 112.000 lao động.
6. Quang điện mặt trời là thị trường việc làm lớn nhất
Chi phí lắp đặt pin mặt trời giảm mạnh dẫn đến việc số lượng việc làm trong ngành quang điện mặt trời tăng mạnh. Từ pin mặt trời nổi cho đến nông trại năng lượng mặt trời hình chuột Mickey, khả năng thích ứng cao của pin quang điện mặt trời khiến quang điện mặt trời trở thành thị trường việc làm số một.
Lực lượng lao động trong ngành quang điện mặt trời đã tăng 11% vào năm ngoái. Khi Morocco tiếp tục phát triển nhà máy điện mặt trời lớn nhất thế giới và các tổ chức "xanh" tiếp tục kêu gọi ông Sadiq Khan, thị trưởng mới của Luân Đôn thực hiện cuộc cách mạng về năng lượng mặt trời thì thị trường quang điện mặt trời sẽ sớm thu hút nhiều lao động hơn tham gia vào lực lượng 2,8 triệu người hiện nay.
7. Lực lượng lao động trong ngành năng lượng mặt trời của Nhật Bản tăng hơn 1/4
Với chính sách thúc đẩy sự phát triển của năng lượng tái tạo Feed-in tariffs, số lượng lao động trong ngành quang điện mặt trời của Nhật Bản đã tăng 28% trong năm 2014, chạm mốc 377.100 người.
Gần đây, việc Nhật Bản cắt trợ cấp Feed-in tariffs có thể làm cho lực ượng lao động trong ngành này trì trệ.
8. Số lượng lao động trong ngành nhiên liệu sinh học giảm 6%
Trong khi ngành hàng không và vận chuyển ngày càng sử dụng nhiều nhiên liệu sinh học thì việc số lượng lao động trong ngành này giảm 6%, xuống còn 1,7 triệu người là một điều đáng ngạc nhiên. Theo cơ quan IRENA, nguyên nhân của tình trạng này là do việc sản xuất nhiên liệu sinh học ngày càng được cơ khí hóa và một số quốc gia giảm sản xuất nhiên liệu sinh học.
9. Ngành nhiên liệu sinh học của Indonesia sụp đổ
Một trong những quốc gia giảm đáng kể việc sản xuất nhiên liệu sinh học là Indonesia. Thị trường nhiên liệu sinh học từ dầu cọ đã tăng trưởng đáng kể trong vòng 9 năm qua nhưng những vấn đề liên tiếp xung quanh dầu cọ đã khiến thị trường sụp đổ vào năm 2015. Việc sản xuất nhiên liệu sinh học đã giảm hơn 50% vào năm ngoái, khiến lực lượng lao động trong ngành này giảm từ 110.000 xuống còn 94.800 vào năm 2015.
10. Lực lượng lao động trong ngành thủy điện của Việt Nam lớn thứ 6 trên thế giới
Hiệp hội thủy điện quốc tế ước tính rằng VIệt Nam có thể sản xuất ra 35 GW công suất thủy điện, đồng nghĩa với việc ngành thủy điện có thể đáp ứng được 1/3 nhu cầu điện năng của cả đất nước.
Đến năm 2017, hơn 500 dự án được dự kiến sẽ đi vào hoạt động ở Việt Nam. Số lượng lao động trong ngành thủy điện của quốc gia này hiện đang chiếm 2% trên tổng số lao động của toàn thế giới.
Ngọc Diệp (Theo Edie.net)