Trong những năm gần đây, giá công nghệ năng lượng Mặt trời giảm nhanh đã đẩy lợi nhuận gia tăng và thúc đẩy thị trường này có những bước phát triển vượt bậc.
Theo công ty xây dựng nhà máy điện Mặt trời Kyocera, trong hai năm qua công ty này đã bắt tay vào việc lắp đặt hơn 50.000 tấm pin năng lượng Mặt trời trên mặt hồ chứa Yamakura Dam, thuộc tỉnh Chiba, Nhật Bản.
Dự kiến khi đưa vào vận hành, những tấm pin nổi này sẽ cung cấp hơn 16.000 megawatt điện mỗi năm, đủ đáp ứng nhu cầu điện của khoảng 5.000 hộ gia đình.
Dự án Yamakura Dam khi hoàn thành sẽ trở thành nhà máy điện năng lượng Mặt trời lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, không chỉ ở Nhật Bản, hiện công nghệ năng lượng Mặt trời nổi đang ngày càng trở nên thịnh hành tại Australia và Mỹ.
Các chuyên gia cho rằng những dãy pin năng lượng Mặt trời nổi có nhiều lợi thế hơn so với các pin năng lượng Mặt trời lắp đặt trên mặt đất. Việc mua hoặc thuê đất để lắp đặt pin Mặt trời thường đắt đỏ và phức tạp hơn so với việc xây dựng, lắp đặt trên các mặt hồ tự nhiên, hồ xử lý nước thải hoặc các mặt nước không sử dụng khác.
Không giống như các nhà máy điện năng lượng Mặt trời đặt trên mặt đất, các pin năng lượng Mặt trời có thể được ngụy trang để không làm thay đổi cảnh quan trên mặt hồ. Công nghệ này hiện đang được công ty năng lượng điện sạch phi lợi nhuận Sonoma nghiên cứu.
Hiện Sonoma đã giành được hợp đồng xây dựng, lắp đặt các tấm pin năng lượng Mặt trời ở sáu hồ xử lý nước lớn nhất tại Nhật Bản. Những tấm pin năng lượng Mặt trời này sẽ được sử dụng công nghệ cao nên có thể ngụy trang và không thể được nhìn thấy khi đi trên đường.
Những tấm pin Mặt trời còn có tác dụng giữ cho nước không bị bay hơi, rất phù hợp với những khu vực hay khô hạn và nhiều tảo, bên cạnh đó còn có hiệu suất cao hơn so với các tấm pin năng lượng Mặt Trời trên mặt đất do được làm mát bởi nước.
Tại Australia, hồi năm ngoái, công ty Infratech Industries cũng đã hoàn thành giai đoạn đầu xây dựng nhà máy điện từ pin năng lượng Mặt trời nổi ở 5 hồ xử lý nước. Khi đưa vào vận hành, hiệu suất của tổ máy đã tăng 57% so với việc lắp đặt trên mặt đất.
Dự kiến khi toàn bộ nhà máy được đưa vào hoạt động, lượng điện năng sinh ra sẽ tăng thêm khoảng 20% so với lượng điện năng của các nhà máy có các pin năng lượng được lắp đặt trên mặt đất với cùng công suất.
Hiện nay, công ty Infratech Industries đang tiếp tục thực hiện dự án tại Holtville, một thành phố nhỏ ở miền Nam California, Mỹ, nơi thường xuyên đối mặt với hạn hán trong nhiều năm qua.
Các tấm pin nổi được sơn lớp sơn chống ăn mòn và được lắp trên hệ thống rãnh có thể di chuyển đến những vị trí có nhiều ánh sáng Mặt trời nhất, do đó giúp nâng cao hiệu quả đáng kể so với các tấm pin được đặt cố định trên mặt đất.
Tuy nhiên, việc lắp đặt, sử dụng pin nổi cũng gặp những thách thức nhất định. Ví dụ như các tấm pin nổi sẽ phải chịu áp lực gió nhiều hơn so với các tấp pin lắp trên mặt đất. Tuy nhiên, nhìn chung công nghệ pin nổi có thể đem lại nhiều lợi ích hơn cho chủ sở hữu.
Tại Los Angeles, cơ quan quản lý nước đã phải chi tới 34,5 triệu USD để làm tấm nhựa bao phủ mặt hồ nhằm ngăn hiện tượng nước bốc hơi. Nếu lắp đặt hệ thống pin Mặt trời, các cơ quan chức năng vừa có thể tạo ra năng lượng, vừa có thể ngăn chặn được việc nước bốc hơi.
Công ty Kyocera cho rằng lý do khiến họ quyết định sử dụng công nghệ pin nổi là vì hiện nay công nghệ này đang trở nên phổ biến tại Nhật Bản, bên cạnh đó, việc có được diện tích đất rộng để lắp các tấm pin Mặt trời phải tốn chi phí lớn. Mặt khác, chi phí lắp đặt các tấm pin nổi cũng rẻ hơn so với việc lắp đặt trên mặt đất.
Công ty Far Niente tại Oakville, California cũng cho biết năm 2008 họ đã lắp đặt các pin năng lượng Mặt trời nổi trên ao tưới của mình. Điều đáng ngạc nhiên là môi trường sinh thái và các cá thể sinh vật, động vật sống tại đó không hề bị ảnh hưởng bởi việc lắp đặt các tấm pin nổi. Hiện có nhiều đoàn khách từ các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore đã đến thăm quan học hỏi kinh nghiệm lắp đặt pin nổi của công ty.
Theo bnews.vn