Trong những tháng gần đây, giá năng lượng mặt trời giảm mạnh và gần bằng với mức giá năng lượng khai thác từ than đá. Điều này hứa hẹn nguồn năng lượng sạch được Ấn Độ đầu tư phát triển là một lựa chọn khả thi cho quốc gia có 300 triệu người hiện sống trong tình trạng không điện.
Hiện tại ở Ấn Độ, giá năng lượng mặt trời cao hơn 15% so với năng lượng than. Nếu xu hướng giảm giá của năng lượng mặt trời tiếp tục, nhiều chuyên gia dự đoán nguồn năng lượng này sẽ nhanh chóng có giá thấp hơn 10% so với than vào năm 2020.
Trong một cuộc đấu giá đầu tư phát triển năng lượng sạch của chính phủ Ấn Độ, một nhà thầu đã chấp nhận cung ứng điện cho bang Rajasthan với mức giá 4,34 rupee/kWh (0,06 USD), xấp xỉ mức giá từ một dự án than trước đó. Ông Vinay Rustagi, người tư vấn về năng lượng tái tạo cho Ấn Độ cho biết: “Năng lượng mặt trời có giá rất cạnh tranh và đó là một nguồn cung lớn cho các quốc gia như Ấn Độ”.
Thủ tướng Narendra Modi đã ban hành những chính sách ưu tiên hàng đầu cho kế hoạch phát triển nguồn điện và đưa ra mục tiêu cung cấp năng lượng 24/24 cho gần 1,3 tỉ dân. Hiện tại, Ấn Độ phải đối mặt với sự thiếu hụt nguồn năng lượng trầm trọng, ngay cả các thành phố lớn cũng thường xuyên mất điện.
Do đó, để cải thiện quá trình cung cấp điện, Thủ tướng Modi đặt mục tiêu đưa 100 GW năng lượng mặt trời vào mạng lưới điện quốc gia trong năm 2022. Cơ sở hạ tầng cũng được cải thiện, trong khi hệ thống lưới điện 280 GW sẽ mở rộng và hiện đại hóa. Anshu Bharadwaj, Giám đốc điều hành tại Trung tâm Nghiên cứu khoa học, công nghệ và chính sách Ấn Độ, nhấn mạnh: “Ngành công nghiệp năng lượng khá lạc quan, và không cần phải có một chính sách tốt hơn”.
Có nhiều lý do thúc đẩy chính phủ Ấn Độ đầu tư vào nguồn năng lượng mặt trời, nhưng quan trọng nhất là nguồn năng lượng sạch rất phù hợp với quốc gia hiện có đến 13/20 thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Những lợi ích về môi trường của năng lượng mặt trời sẽ còn cao hơn khi Ấn Độ giảm nguồn cung năng lượng từ than, hiện chiếm tới 60% sản lượng năng lượng của nước này. Theo các chuyên gia, than chứa hàm lượng tro cao và giải phóng độc tố, kim loại vào không khí trong quá trình cháy.
Aruna Kumarankandath, quan chức tại Trung tâm Khoa học và Môi trường Ấn Độ, khẳng định: “Về lâu dài…việc đầu tư vào năng lượng mặt trời có thể giảm ô nhiễm không khí”.
Theo Một Thế Giới