[In trang]
Khởi động Chiến dịch Giờ Trái đất 2016
Thứ bảy, 05/03/2016 - 14:49
Chương trình được thiết kế với hàng loạt hoạt động như: Gian hàng các sản phẩm xanh, khu chụp hình 60+, các tiết mục văn nghệ, giao lưu với các đại sứ...

Ngày 05 tháng 3 năm  2016, Bộ Công Thương công bố khởi động Chiến dịch Giờ Trái đất 2016. Lễ khởi động được tổ chức tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Khoảng 3.000 sinh viên, tình nguyện viên, các nhóm, hội, câu lạc bộ đã đang ký tham gia sự kiện.

Chiến dịch Giờ Trái đất được khởi xướng từ năm 2007 bởi Quỹ quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu và tiết kiệm năng lượng trên toàn thế giới. Chiến dịch đã nhận được sự hưởng ứng của hơn 7.000 thành phố thuộc 172 quốc gia trên thế giới.

Ông Nguyễn Việt Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương, phát biểu khởi động Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2016.  

Hoạt động Giờ Trái đất năm nay tại Việt Nam nhằm kêu gọi cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ tham gia hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái Đất 2016 với chủ đề: “Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn”. 

Đây là năm thứ 8 Việt Nam tham gia hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất toàn cầu và cũng là năm thứ 5 Bộ Công Thương chủ trì hoạt động này. Từ năm 2012, Chiến dịch Giờ Trái Đất tại Việt Nam do Bộ Công Thương chủ trì với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam và WWF. Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Daikin Việt Nam là đơn vị đồng hành cùng Chiến dịch Giờ Trái đất 2016. Đây là năm thứ 8 Tập đoàn Điện lực Việt Nam liên tục là nhà trài trợ chính của Chiến dịch.  

Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng Ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Phát biểu kêu gọi hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2016, ông Nguyễn Việt Sơn, Phó  Tổng Cục trưởng Tổng Cục Năng lượng - Bộ Công Thương nhấn mạnh: “Bằng những hành động nhỏ như tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, tiết kiệm nước, trồng thêm một cây xanh sẽ mang đến ý nghĩa lớn cho cộng đồng, tạo thành thói quen tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường trong suốt cả năm”.

Các đại biểu tham dự chương trình.
Ông Trịnh Quốc Vũ, Vụ trưởng Vụ KHCN&TKNL, Bộ Công Thương và bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội.

Chiến dịch Giờ Trái đất 2016 còn có sự tham gia của các gương mặt đại sứ: Bà Charlotte Laursen, Đại sứ Vương quốc Đan Mạch tại Việt Nam; Ca sỹ Tạ Quang Thắng và ca sỹ Thùy Chi. 

Bà Charlotte Laursen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam là một trong các đại sứ của chiến dịch Giờ Trái đất năm 2016.

Tại sự kiện Khởi động Chiến dịch, Ban tổ chức đã thông tin về thể lệ, quy chế cuộc thi thiết kế túi vải bảo vệ môi trường với chủ đề tiết kiệm năng lượng. Cuộc thi được chính thức phát động từ ngày 20 tháng 02 năm 2016. Thời gian nhận bài dự thi đến hết ngày 19 tháng 3 năm 2016. Ban tổ chức sẽ lựa chọn các tác phẩm trao giải vào cuối tháng 3 năm 2016.

PGS. Phạm Hoàng Lương, Phó hiệu trưởng trường ĐHBK Hà Nội

Chương trình khởi động Chiến dịch Giờ Trái đất 2016 được thiết kế với hàng loạt hoạt động như: Gian hàng các sản phẩm xanh, khu chụp hình 60+, các trò chơi tập thể vui nhộn, các tiết mục văn nghệ đặc sắc và giao lưu với các đại sứ.

Hai đại sứ của Chiến dịch: Ca sỹ Thùy Chi và ca sỹ Tạ Quang Thắng. 

Sau sự kiện Khởi động, các hoạt động bên lề nhằm hưởng ứng Chiến dịch sẽ được tổ chức trong suốt tháng 3 với phạm vi cả nước. Nghi thức tắt đèn sẽ diễn ra từ 20h30 đến 21h30 ngày 19/3/2016 tại Quảng  trường Cách mạng Tháng Tám với sự tham dự của lãnh đạo Nhà nước, TP. Hà Nội, các Bộ Ban ngành liên quan, đông đảo học sinh, sinh viên và công chúng. Chương trình dự kiến được tường thuật trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam. 

 

Kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về Sử dụng năng lượng Tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2012-2015:

Chương trình Mục tiêu quốc gia về Sử dụng năng lượng Tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2012-2015 đặt mục tiêu tiết kiệm 8-10% tổng năng lượng tiêu thụ cả nước, tương đương 11- 17 triệu TOE. Đến nay đã có 585 nhiệm vụ, dự án đã được triển khai. Hơn 100 tòa nhà đã được Bộ Công Thương vinh danh thông qua cuộc thi “Tòa nhà hiệu quả năng lượng”. Trên 700.000 bình nước nóng năng lượng mặt trời đang được sử dụng, giúp tiết kiệm khoảng 1 tỷ kWh tương đương 1.600 tỷ đồng. Chương trình hỗ trợ kiểm toán năng lượng cho gần 700 doanh nghiệp. Đặc biệt, trên 10.000 mẫu sản phẩm thuộc 15 nhóm sản phẩm đã được Bộ Công Thương cấp phép dán nhãn năng lượng. Chương trình dán nhãn năng lượng đã triển khai thành công, tạo được thói quen tiêu dùng, mua sắm các sản phẩm hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng.

Ước tính, tỷ lệ tiết kiệm năng lượng cộng dồn cho cả giai đoạn 2011- 2015 đạt xấp xỉ 6,0% tổng tiêu thụ năng lượng. Hệ số đàn hồi điện/GDP bình quân năm 2011 – 2015 của Việt Nam là 1,85 cao gấp đôi so với các nước trong khu vực Châu Á (hệ số đàn hồi điện bình quân của các nước ThaiLand, Malaysia, Philipines, Indonesia, Singapore là 0,97). Để thực hiện được chiến lược của Chính phủ Việt Nam là tới năm 2020 sẽ giảm hệ số đàn hồi điện/GDP xuống còn 1,0 (theo quyết định 1208/QĐ-TTg ngày 21/07/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030), chúng ta cần phải có nhiều hành động thiết thực và quyết liệt hơn nữa. Với phương châm “Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn”, mỗi người dân Việt Nam hãy bảo vệ môi trường bắt đầu từ những hành động nhỏ, mọi lúc, mọi nơi như (tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, sử dụng nguồn nước, năng lượng, điện một cách hiệu quả và tiết kiệm…). Hãy chung tay tiết kiệm điện, cùng nhau bảo vệ môi trường!

 

Biến đổi khí hậu ở Việt Nam 

Việt Nam vẫn cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 - Phát biểu của Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) tại Paris, Pháp. 

Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu. GDP hàng năm thiệt hại khoảng 1,5% do thiên tai và cả tác động của biến đổi khí hậu. Theo kịch bản về biến đổi khí hậu, cuối thế kỷ này, tức là năm 2100 thì nhiệt độ trung bình của nước ta sẽ tăng 2-3 độ C và mực nước biển có thể cao lên khoảng 1m so với giai đoạn 1980 đến 1999.

Nếu nước biển tăng lên cao 1m, tình trạng ngập úng sẽ diễn ra trên diện rộng. Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ngập đến 39% diện tích, thành phố Hồ Chí sẽ ngập khoảng 20% diện tích, các tỉnh đồng bằng sông Hồng có biển ngập khoảng 10%, các tỉnh miền Trung khoảng 3%. 10% dân số Việt Nam cũng sẽ chịu tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu.

(Nguồn Bộ Tài nguyên môi trường)

 

Dưới đây là một số hình ảnh và hoạt động diễn ra tại lễ khởi động Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2016: 

 Đại diện các nhà tài trợ nhận kỉ niệm chương từ Ban tổ chức chương trình. 
Nhiều thông điệp ý nghĩa về tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường đã được các bạn trẻ viết lên tại chương trình khởi động Giờ Trái đất 2016.
 Những chiếc vòng tay xinh xắn được thiết kế riêng cho chiến dịch Giờ Trái đất 2016.
Hoạt động xếp chữ 60+. 
Các tiết mục văn nghệ chào mừng chương trình.
Chụp ảnh kỉ niệm.
 Các bạn trẻ hào hứng tham gia chương trình.

 Thông tin mới nhất về Chiến dịch Giờ Trái đất 2016 được cập nhật tại:

-Website: http://giotraidat.vn/ 

-Fanpage: www.facebook.com/earthhourvn

-Trang thông tin Chương trình MTQG về sử dụng năng lượng Tiết kiệm và hiệu quả - Bộ Công Thương: http://tietkiemnangluong.com.vn/ 

Mọi thông tin chi tiết liên hệ:

Phụ trách truyền thông: Trần Thị Liễu

ĐT:0945673386

Email: [email protected] 

Ban Tổ Chức