[In trang]
Tiết kiệm nước cho phát điện mùa khô
Thứ sáu, 22/01/2016 - 16:00
Theo dự báo, thì El Nino 2015 sẽ đạt cường độ tương đương với El Nino mạnh kỷ lục 1997-1998. Ngoài ra, có đến trên 90% khả năng El Nino sẽ kéo dài đến hết mùa đông xuân 2015-2016.

Từ đầu tháng 12-2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thống nhất với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc điều tiết các hồ chứa nước thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang và Thác Bà để bổ sung thêm dòng chảy về hạ du, nâng cao mực nước các sông thuộc hệ thống sông Hồng, phục vụ lấy nước gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2015-2016. 

Để đảm bảo cung cấp đủ nước cho toàn bộ diện tích gieo cấy, công ty khai thác các công trình thủy lợi và các đơn vị liên quan đã xây dựng kế hoạch lấy nước, chủ động trữ nước vào các khu trũng và hệ thống kênh mương, thực hiện nạo vét các cửa lấy nước và hệ thống kênh; các công ty điện lực đã hoàn tất phương án đảm bảo cung cấp điện cho các điểm có máy bơm nước.

 

Khô hạn, thiếu nước xảy ra sớm

Theo dự báo, thì El Nino 2015 sẽ đạt cường độ tương đương với El Nino mạnh kỷ lục 1997-1998. Ngoài ra, có đến trên 90% khả năng El Nino sẽ kéo dài đến hết mùa đông xuân 2015-2016. Như vậy, ngoài cường độ mạnh, nhiều khả năng El Nino 2014-2016 cũng sẽ trở thành một trong những El Nino kéo dài nhất trong khoảng 60 năm qua, kể từ khi có những quan trắc chi tiết về hiện tượng ENSO.

Trong các năm El Nino mạnh, nền nhiệt độ trung bình ở hầu hết các khu vực của nước ta có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) và xuất hiện nhiều hơn các kỷ lục về nắng nóng. Trong những tháng mùa đông, hiện tượng rét đậm - rét hại thường ít hơn TBNN và không kéo dài. Mùa mưa đến muộn và kết thúc sớm, tổng lượng mưa phổ biến thiếu hụt so với TBNN ở các khu vực của nước ta, đặc biệt là Trung Bộ, Nam Bộ và Tây Nguyên. Lượng mưa ở Trung Bộ có thể thiếu hụt đến 30-60% ngay trong những tháng mùa mưa và hạn hán nghiêm trọng thường diễn ra trên diện rộng trong mùa khô kế tiếp. Tuy nhiên, những kỷ lục về mưa lớn trong thời đoạn ngắn cũng vẫn thường xuất hiện trong các năm El Nino mạnh.

Lượng dòng chảy các sông suối trong các năm El Nino mạnh và kéo dài thường thiếu hụt so với TBNN từ 30-50%, một số nơi hụt tới 80%. Trên nhiều lưu vực sông, xuất hiện mực nước thấp nhất lịch sử. Mùa mưa lũ chính vụ năm 2015 ở Bắc Bộ đến muộn. Mực nước thấp nhất lịch sử đã xuất hiện trên sông Lô và thấp nhất cùng kỳ xuất hiện tại hạ lưu sông Hồng và Thái Bình. Nguồn dòng chảy phổ biến nhỏ hơn TBNN từ 20-70%, thiếu hụt nhiều nhất trên sông Thao, riêng trên sông Gâm đến hồ Tuyên Quang lớn hơn TBNN khoảng 60% trong tháng 8-9.

Do tình hình khô hạn và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino có cường độ mạnh và kéo dài nhất trong khoảng 60 năm qua gây thiếu nước về ở hầu hết các hồ chứa thủy điện. Mặc dù đã chủ động tích nước các hồ từ sớm nhưng do trong mùa lũ không có lũ về ở các sông nên đến ngày 1-1-2016 mực nước nhiều hồ thủy điện lớn vẫn thấp hơn mực nước dâng bình thường, đặc biệt là khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Tổng lượng nước các hồ thủy điện thiếu hụt so với mực nước dâng bình thường khoảng 6,494 tỷ m3, trong đó miền Bắc thiếu hụt 2,293 tỷ m3, miền Trung thiếu hụt 2,091 tỷ m3, miền Nam thiếu hụt 2,110 tỷ m3.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, từ tháng 10-2015 đến 4-2016, dòng chảy trên các sông suối ở Bắc Bộ sẽ giảm dần và có khả năng thiếu hụt so với TBNN, trên lưu vực sông Đà thiếu hụt từ 5-30%, sông Thao từ 10-45%, sông Lô từ 5-20%, hạ lưu sông Hồng từ 40-45%. Trong mùa khô 2015-2016, dòng chảy trên các sông suối ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên sẽ giảm dần và có khả năng thiếu hụt so với TBNN phổ biến từ 20-40%, một số sông ở khu vực Nam Trung Bộ thiếu hụt trên 60%. Do thiếu hụt dòng chảy trên các sông Trung Bộ, Tây Nguyên ngay trong các tháng đầu mùa khô 2015-2016 nên tình trạng khô hạn, thiếu nước có khả năng xảy ra sớm hơn nhiều so với TBNN.

 Hồ thủy điện nỗ lực chống hạn

EVN cho biết, để phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông-Xuân 2015-2016 cho các tỉnh đồng bằng sông Hồng, EVN đã sẵn sàng thực hiện theo kế hoạch xả nước từ 3 hồ thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang và Thác Bà làm 3 đợt: Đợt 1, lấy nước từ 0 giờ ngày 21-1 đến 24 giờ ngày 26-1; đợt 2, lấy nước từ 0 giờ ngày 3-2 đến 24 giờ ngày 6-2 và đợt 3, lấy nước từ 0 giờ ngày 16-2 đến 24 giờ ngày 23-2. Lượng nước xả bình quân từ các hồ chứa thủy điện dự kiến khoảng 2.845m3/s với tổng lượng nước xả trong 21 ngày (3 đợt) xấp xỉ 5,16 tỷ m3. Lượng nước xả dự kiến từ hồ Thác Bà: xả bình quân 455m3/s, tổng lượng xả khoảng 0,829m3; hồ Tuyên Quang: xả bình quân 606 m3/s, tổng lượng xả khoảng 1,108 tỷ m3; hồ Hoà Bình: xả bình quân 1784 m3/s, tổng lượng khoảng 3,221 tỷ m3.

Theo tính toán của EVN, sau khi xả nước 3 đợt, mực nước hồ Hoà Bình giảm 13,41m (từ 116,5m xuống còn 103,09m), hồ Tuyên Quang giảm 13,62m (từ 119,5m xuống còn 105,88m), hồ Thác Bà giảm 3,94m (từ 54,6m xuống còn 50,66m), mức độ giảm của hồ Hòa Bình có thể thay đổi tùy thuộc khai thác hồ Sơn La. Tuy nhiên, xả nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Đông-Xuân 2015-2016 có sự tham gia của các hồ thủy điện Lai Châu, Huội Quảng và Sơn La nên giảm phần nào sức ép cho các hồ thủy điện Thác Bà, Tuyên Quang và Hòa Bình. Tổ máy số 1 Thủy điện Lai Châu vào vận hành, nếu phát tối đa sẽ cung cấp cho hệ thống với sản lượng 9,6 triệu kWh/ngày, theo đó, nước về hồ Sơn La là 47,5 triệu m3 và tăng thêm sản lượng cho Nhà máy thủy điện Sơn La là 11,5 triệu kWh và Hòa Bình là 11,89 triệu kWh, với tổng sản lượng 23,44 triệu kWh. 

Tổ máy số 1 thủy điện Bản Chát vào vận hành, nếu phát điện tối đa sẽ cũng cấp cho hệ thống sản lượng 2,64 triệu kWh, theo đó, lượng nước về hồ Huội Quảng là 11,75 triệu m3, tăng thêm sản lượng điện 4,4 triệu kWh cho thủy điện Huội Quảng; 2,86 triệu kWh cho thủy điện Sơn La và 2,94 triệu kWh cho thủy điện Hòa Bình, với tổng sản lượng điện 10,2 triệu kWh.

Đã sẵn sàng tiếp nhận nước

EVN đã chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia xây dựng phương án khai thác các nhà máy thuỷ điện đảm bảo phù hợp với thời gian và nhu cầu xả nước, đồng thời chỉ đạo Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN HANOI) đảm bảo cung cấp điện liên tục, ổn định cho các trạm bơm điện, đặc biệt là các trạm bơm đầu mối và các trạm bơm dã chiến. Trong các ngày từ 12, EVN đã tổ chức các đoàn trực tiếp kiểm tra cấp điện cho các trạm bơm điện tại một số trạm bơm ở Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam và làm việc với các đơn vị quản lý và khai thác công trình thuỷ lợi để thống nhất phương thức phối hợp, nhằm đảm bảo mục tiêu lấy và sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm.

Tại Trạm Quản lý công trình Liên Mạc (Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Sông Nhuệ)- trạm bơm đầu mối điều tiết cống Liên Mạc cho 74 km Sông Nhuệ, Phó Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi Hà Nội Lê Xuân Uyên cho biết, toàn thành phố có 100.000-101.000 ha sản xuất lúa; riêng huyện Từ Liêm có khoảng 10.000ha đất sản xuất nông nghiệp, 2033 trạm bơm các lọai, trên 4000 máy bơm với trên 12.000 km kênh. Phương án chống hạn được khoanh từng vùng, để dùng các trạm bơm dã chiến. Lịch lấy nước cũng đã thông báo đến từng cấp xã, huyện. Các kênh tưới tận dụng tối đa 100% số máy bơm hoạt động. Đến thời điểm này đã lắp đặt 109 trạm bơm dã chiến với 300 máy, nạo vét trên 1,3 triệu m3 đất. 

Ông Lê Xuân Uyên cũng cho biết, để tiết kiệm nước, đợt 1, sẽ đảm bảo 40-45% diện tích có nước, đợt 2 đạt 80-90%. Các địa phương (một phần Ứng Hòa, Phú Xuyên) không phụ thuộc quá lớn vào các đợt lấy nước mà lấy thủy triều tại sông Đáy.

Công ty Điện lực Bắc Từ Liêm quản lý 3 trạm điện là Thụy Phương, Liên Mạc và Cầu Diễn cấp cho 4 trạm bơm trên địa bàn với tổng công suất 1.510 KVA, với hai nguồn cấp điện mới và có máy biến áp dự phòng. Đến thời điểm này, Công ty Điện lực Bắc Từ Liêm cũng đã hoàn thành công tác kiểm tra và củng cố các đường dây cũng như trạm biến áp; các phương tiện phòng chống cháy nổ cũng đã được tăng cường cho các trạm biến áp; vật tư dự phòng đảm bảo cấp đủ khi có sự cố xảy ra.

Tại trạm bơm Phù Sa, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Sông Tích Trần Dũng Tuấn cho biết, thực hiện tưới tiêu vụ Đông-Xuân 2015- 2016 theo kế hoạch là 19.566 ha. Ngoài diện tích này, Công ty còn tiếp nước vào Sông Tích theo chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tạo nguồn tưới cho các chuyện, thị hạ lưu Sông Tích với tổng diện tích đăng ký 4.363 ha. Công ty đã triển khai nạo vét xong các cửa khẩu lấy nước từ Sông Đà, Sông Hồng; nạo vét bể hút các trạm bơm, các tuyến kênh cấp 1, cấp 2 với tổng khối lượng hơn 17.200m3. Đồng thời lắp đặt 21 tổ máy 1000 m3/s trạm bơm dã chiến Phù Sa, 9 tổ máy dã chiến Xuân Phú (Phúc Thọ) và 1 tổ máy trạm bơm dã chiến Yên Sơn (Quốc Oai). Công ty cũng chuẩn bị 3 tổ máy bơm 1000 m3/s sẵn sàng lắp đặt trạm bơm dã chiến khi mực nước Sông Đà xuống thấp và trạm bơm Sơn Đà (Ba Vì) không vận hành được. Đến nay, công tác sửa chữa, bảo dưỡng máy móc thiết bị phục vụ đổ ải tại các trạm bơm đã đủ điều kiện vận hành 100% cơ số máy bơm. Rút kinh nghiệm các năm tước, Công ty phối hợp với các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân lấy nước để tiết kiệm điện và nước.

Công ty Điện lực Sơn Tây cũng đã hoàn thành các phương án củng cố lưới điện trên các đường dây và toàn bộ 10 trạm biến áp nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định cho các trạm bơm. Đồng thời chuẩn bị đủ khối lượng thiết bị, vật tư dự phòng cho xử lý sự cố. Trong thời gian đảm bảo điện phục vụ 3 đợt lấy nước, công ty sẽ bố trí lực lượng tăng cường kiểm tra, tuần canh hành lang tuyến đường dây cấp điện cho các trạm biến áp cung cấp điện cho các trạm bơm.

Thực tế trong những năm vừa qua, các đợt xả nước từ hồ thủy điện thực tế đã rút ngắn hơn so với dự kiến. Có được điều này là do sự chỉ đạo sát sao của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy lợi, sự nỗ lực của EVN và Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, các nhà máy thủy điện và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, có hiệu quả của các địa phương, các Công ty Khai thác các công trình thủy lợi, bà con nông dân khu vực Trung du và đồng bằng Bắc bộ, các cơ quan liên quan và đặc biệt là các phương tiên thông tin đại chúng đã tăng cường truyền thông để cung cấp thông tin kịp thời cho nhân dân. 

Để đảm bảo sản xuất vụ Đông Xuân 2015-2016 và đáp ứng nhu cầu điện mùa khô năm 2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy lợi, UBND các địa phương cần tiếp tục và tăng cường chỉ đạo các Công ty Khai thác các công trình thủy lợi và bà con nông dân khu vực Trung du và đồng bằng Bắc bộ phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, tận dụng tối đa nguồn nước bổ sung từ các hồ thủy điện để lấy đủ nước cho vụ Đông Xuân trong 3 đợt lấy nước tập trung đã thống nhất, không để phát sinh thêm nhu cầu xả nước từ các hồ thủy điện ngoài 3 đợt lấy nước tập trung này, đồng thời nỗ lực phấn đấu rút ngắn thời gian lấy nước để tiết kiệm nước cho phát điện cuối mùa khô.

Theo Hà Nội Mới