[In trang]
Trụ cột trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia
Thứ năm, 21/01/2016 - 17:07
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã vượt "vũ môn" trong tình hình kinh tế đất nước có nhiều khó khăn.

Bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm (2011-2015), tài chính của EVN ở tình trạng mất cân bằng, cùng nhiều khó khăn khách quan nên tình trạng thiếu hụt lớn nguồn điện, thua lỗ về tài chính đã xảy ra. Thế nhưng kết thúc kế hoạch 5 năm, EVN đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đáp ứng đủ nhu cầu điện của đất nước, cân bằng được tài chính, sản xuất kinh doanh có lãi…

Ngành điện đi trước một bước

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, EVN đã xây dựng phương hướng, nhiệm vụ và các nhóm giải pháp cụ thể theo từng tháng, quý... Nhờ đó, kết thúc kế hoạch 5 năm, EVN đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh, bảo đảm cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với tăng trưởng điện thương phẩm bình quân đạt 10,84%/năm; điện sử dụng bình quân trên đầu người đạt 1.536 kWh/người/năm; hệ thống điện có dự phòng và điện đã thực sự đi trước một bước; tổn thất điện năng đã giảm từ 10,15% năm 2010 xuống còn 8% vào cuối năm 2015, đạt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Tính chung 5 năm, tổn thất điện năng giảm được 2,15% (bình quân mỗi năm giảm 0,43%); sản lượng điện tiết kiệm hằng năm đạt từ 1,7-2,5% sản lượng điện thương phẩm.  

Dây cáp được thả xuống biển phục vụ đưa điện quốc gia ra đảo Lý Sơn.

Với kết quả hoàn thành tốt nhiệm vụ đáp ứng đủ điện cho đất nước, EVN đã bảo đảm yếu tố quan trọng để các các tỉnh, thành phố, các ngành thực hiện được các mục tiêu phát triển 5 năm 2011-2015. Các trung tâm kinh tế - chính trị, các vùng kinh tế trọng điểm ở 3 miền Bắc, Trung, Nam luôn được đáp ứng đầy đủ và kịp thời về nhu cầu điện, qua đó EVN đã góp phần vào tăng trưởng kinh tế của nước ta với tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2015 đạt trên 6,5%, tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 5,9%/năm.

Góp phần xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới

Nỗ lực lớn trong đầu tư đưa điện về nông thôn, hải đảo, giai đoạn 2011-2015, trên 640 triệu USD và gần 3.500 tỷ đồng đã được đầu tư để thực hiện các dự án, trọng tâm là các khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Tính đến cuối năm 2015, số xã có điện đạt 99,8% và số hộ dân nông thôn được sử dụng điện đạt 98,76% (vượt 0,76% so với chỉ tiêu được giao cuối năm 2015). Tỷ lệ có điện tại khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc đạt 96,62% về số xã và 83,76% số hộ dân nông thôn; các tỉnh Tây Nguyên đã đạt tương ứng là 99,83% số xã và 95,8% số hộ dân; khu vực Tây Nam Bộ là 98,85% số xã và 97,27% số hộ dân. Hầu hết các xã biên giới đã có điện, góp phần vào công tác định canh định cư, phát triển kinh tế và giữ gìn an ninh khu vực biên giới.

EVN cũng đã cơ bản hoàn thành công tác tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn tại 1.524 xã với trên 1,95 triệu hộ; bán điện trực tiếp cho hộ dân để người dân nông thôn được hưởng lợi ích từ chính sách ưu đãi giá điện của Chính phủ. Với các huyện đảo, xã đảo có vị trí chiến lược trên biển (Phú Quốc, Cô Tô, Lý Sơn, Kiên Hải), EVN thực hiện đầu tư đưa điện lưới quốc gia từ đất liền ra đảo để cấp điện ổn định cho nhu cầu dân sinh và phát triển kinh tế, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Hiện tại, đang tiếp tục triển khai cấp điện từ hệ thống điện quốc gia cho một số xã đảo tỉnh Kiên Giang, Cù Lao Chàm (Quảng Nam). 

Dịch vụ khách hàng chuyển biến mạnh mẽ

Khởi động từ năm 2013 với chủ đề "Năm kinh doanh và dịch vụ khách hàng", công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng đã có nhiều chuyển biến để phục vụ tốt hơn trên 23,7 triệu khách hàng dùng điện. Tập đoàn đưa vào áp dụng 14 chỉ tiêu về chất lượng dịch vụ khách hàng để theo dõi, đánh giá mức độ tiến bộ hằng năm, kết quả đến nay các đơn vị thực hiện đạt từ 96-98%. Cải cách thủ tục hành chính trong giao dịch được đẩy mạnh, nhất là trong khâu cấp điện mới, rút ngắn thời gian giải quyết cho khách hàng, chỉ còn 2,11 ngày đối với khu vực thành phố, thị xã, thị trấn, 3,13 ngày ở nông thôn.

Sau 3 năm tiến hành điều tra lấy ý kiến khách hàng thông qua các tổ chức tư vấn độc lập để khách hàng chấm điểm chất lượng công tác kinh doanh điện và dịch vụ của điện lực, cán bộ, nhân viên ngành Điện đã có nhiều chuyển biến trong nhận thức, khắc phục các biểu hiện quan liêu, cửa quyền, đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu về điện của khách hàng. Khách hàng ghi nhận và đánh giá tích cực sự chuyển biến rõ rệt trong cung cấp điện, giảm bớt các thủ tục cấp điện, thái độ phục vụ của nhân viên điện lực. Điểm bình quân mức độ hài lòng khách hàng sử dụng điện toàn EVN hằng năm đều tăng, trong đó, năm 2013 là 6,45/10; năm 2014 là 6,9/10.

Theo đánh giá của Tổ chức Doing Business (thuộc Ngân hàng Thế giới), năm 2015, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam tăng 22 bậc (từ vị trí 130 năm 2014 lên vị trí 108/189 quốc gia) và là chỉ số có mức độ cải thiện tốt nhất trong các chỉ số đánh giá về môi trường kinh doanh của Việt Nam. Số ngày làm thủ tục cấp điện trung áp của Việt Nam giảm từ 115 ngày xuống còn 59 ngày, trong đó số ngày thực hiện của EVN giảm từ 38 ngày xuống còn 14 ngày. Tháng 9-2015, EVN đã ban hành quy định thời gian giải quyết các công việc liên quan đến điện lực rút xuống còn không quá 10 ngày.

Theo Hà Nội Mới