Mới đây một công nghệ làm sạch đại dương độc nhất vô nhị do hai thanh niên người Úc tạo ra đã gây tiếng vang lớn trong giới sáng chế trên toàn thế giới.
Hai người bạn thân lâu năm là Andrew Turton và Pete Ceglinski đã dành cả tuổi thơ của họ với biển cả. Trước tình hình rác thải gây ô nhiễm môi trường biển và sự việc ngày càng nghiêm trọng hơn, họ đã bỏ công việc mình đang làm để cùng nhau nghĩ ra cách giải quyết cho vấn đề nan giải này.
Họ nảy ra ý tưởng về một thùng gom rác tự động được gọi là Seabin (tạm dịch: Thùng rác biển) với hy vọng rằng ý tưởng này sẽ giúp làm giảm ô nhiễm môi trường biển.
Cùng sự giúp đỡ của Shark Mitigation Systems, bộ đôi đã thiết kế thành công mẫu đầu tiên của thùng rác tại Perth trước khi đưa sản phẩm ra thị trường Mallorca ở Tây Ban Nha, địa điểm được mệnh danh “thủ phủ du thuyền” của Châu Âu.
Hiện giờ Andrew và Pete đang cố gắng huy động vốn để biến nguyên mẫu này thành những sản phẩm thực. Đề án này nhanh chóng gây nên sự chú ý lớn và nhận được động lực từ mọi người. $50,000 đã được quyên góp để giúp đỡ đưa dự án vào thi công. Đoạn video giới thiệu Seabin cũng đã thu hút hơn 10 triệu lượt xem, hầu hết từ các nước Châu Âu. “Chúng tôi đã gây quỹ được $34,000 chỉ trong 3 ngày. Giờ thì nó đã tăng lên đáng kể rồi.” Pete cho biết.
Được làm từ những vật liệu đã qua tái chế, Seabin được gắn vào bến đậu và có máy bơm nước chạy trên bờ. Máy bơm tạo ra dòng chảy của nước, từ đó hút các rác thải nổi trên bề mặt vào một túi sợi tự nhiên trước khi đưa nước đã lọc sạch rác trở lại biển. Máy sẽ hút mọi thứ nổi trên bề mặt nước từ những chai lọ nhựa đến giấy, xăng, dầu hay chất tẩy rửa.
Người phát ngôn cho sản phẩm, Richard Talmage nói rằng phương pháp này rất đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả. “Nó vận dụng cách hoạt động của máy lọc nước trong bể bơi nhưng lại được thiết kế để có thể thu gom tất cả rác thải trong môi trường cảng biển quanh nó.”
Từ Cảng Biển Tới Đại Dương
Pete nói rằng các nơi đậu thuyền, cảng biển là nơi lý tưởng để bắt đầu công việc thu gom rác bởi đây là địa điểm tập trung đông người và diễn ra nhiều hoạt động có sử dụng xăng, dầu gây ô nhiễm. “Sử dụng các “thùng rác biển” hiệu quả hơn nhiều so với một người gom rác cứ đi lại xung quanh với chiếc vợt lưới.”
Sản phẩm này được kì vọng sẽ ngăn các chất độc hại trôi ra ngoài đại dương, hủy hoại môi trường sống và các loại sinh vật biển.
Người phát ngôn cho biết seabin có thể giúp ngăn các chất hóa học từ nhựa trôi ra biển rồi trở thành thức ăn cho các động vật biển. “Vấn đề không chỉ là ô nhiễm, mà còn là về môi trường, và cả nền giáo dục dành cho cộng đồng nữa.”
Bộ đôi đã nghiên cứu và lên kế hoạch hoạt động của trung tâm tại Mallorca để đưa kỹ thuật lọc rác này ra thị trường. “Chúng tôi muốn sản phẩm mang tính sinh thái và bền vững, nhưng nếu làm như vậy thì tốn rất nhiều chi phí, đó là lý do tại sao chúng tôi phải gây quỹ.”
“Chúng tôi cũng đã tham dự METSTRADE show, đó là show thương mại lớn nhất trên thế giới về lĩnh vực công nghiệp biển. Từ đó chúng tôi đã có cơ hội gặp gỡ với một vài người quan tâm tới dự án và tỏ ý muốn giúp đỡ chúng tôi trong việc thực thi. Cũng đã có rất nhiều bến tàu cũng như chính phủ các nước đã liên lạc với chúng tôi.”
Nếu thành công thì Seabin sẽ được tung ra thị trường vào khoảng giữa năm 2016.
Thanh Thảo (Theo abc.net.au)