Nhà máy rượu Tullibardine ở hạt Perthshire, Scotland vừa ký biên bản ghi nhớ về việc liên doanh với Celtic Renewables, một công ty thuộc Đại học Napier tại thành phố Edinburgh, để sản xuất nhiên liệu sinh học, BBC đưa tin. Họ sẽ cho vi khuẩn “ăn” những loại chất thải trong quá trình sản xuất rượu whisky để tạo ra butanol - hợp chất có thể thay thế cho xăng trong động cơ của phương tiện giao thông.
Ban lãnh đạo của hai công ty khẳng định, liên doanh của họ sẽ là cơ sở đầu tiên trên thế giới sản xuất nhiên liệu sinh học dành cho xe hơi từ chất thải của quá trình sản xuất rượu.
Hơn 90% lượng vật chất trong quá trình sản xuất rượu whisky sẽ trở thành chất thải. Chúng có hàm lượng đường khá cao. Hiện nay người ta dùng chất thải của nhà máy rượu để sản xuất phân bón, thức ăn cho gia súc và nhiều loại sản phẩm khác.
Trung tâm Nghiên cứu Nhiên liệu sinh học của Đại học Napier đã tìm ra loại vi khuẩn có khả năng ăn chất thải trong quá trình sản xuất rượu whisky để tạo ra butanol.
Giáo sư Martin Tangney, người sáng lập công ty Celtic Renewables, phát biểu: “Sự hợp tác của chúng tôi với nhà máy Tullibardine là một bước quan trọng trong quá trình phát triển một ngành kinh doanh có khả năng năng kết hợp hai ngành công nghiệp mang tính biểu tượng của Scotland - rượu whisky và năng lượng tái sinh”.
Ông Douglas Ross, giám đốc điều hành của Tullibardine, cho biết, nhà máy phải chi tới 250.000 bảng để xử lý chất thải mỗi năm.
“Chúng tôi cảm thấy phấn khởi khi trở thành đối tác của Celtic Renewables trong hoạt động sản xuất nhiên liệu sinh học này. Những lợi ích rõ ràng nhất sẽ liên quan tới môi trường. Bằng cách hợp tác với Celtic Renewables, chúng tôi có cơ hội biến chất thải thành sản phẩm vừa có giá trị thương mại, vừa có ích với xã hội”, ông bình luận.
Celtic Renewables khẳng định rằng mục đích cuối cùng của công ty là xây dựng một nhà máy chế biến butanol từ chất thải của rượu ở Scotland. Ban lãnh đạo công hy vọng nhà máy đó sẽ tạo ra khoản doanh thu 60 triệu bảng mỗi năm.
Theo VNE