[In trang]
Mỹ và Trung Quốc tìm đến giải pháp năng lượng mặt trời của Úc
Thứ tư, 30/12/2015 - 10:10
Từ những ý tưởng mới mẻ về công nghệ năng lượng gần đây, Úc đang cho thấy mình là một nước lớn trong lĩnh vực xuất khẩu năng lượng tái tạo.

Từ những ý tưởng mới mẻ về công nghệ năng lượng gần đây, Úc đang cho thấy mình là một nước lớn trong lĩnh vực xuất khẩu năng lượng tái tạo.

Ảnh: Hệ thống sản xuất năng lượng mặt trời nổi trên mặt nước của Infratech.

Trong năm tài khóa vừa qua, Úc đã thu về 172 tỷ đô doanh thu từ việc xuất khẩu các nguồn tài nguyên thiên nhiên của mình. Tuy nhiên, các nhà kinh tế ước tính khoản thu nhập này đã giảm 6% so với năm trước do sự sụt giảm trong doanh thu từ xuất khẩu than. Doanh thu từ xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ tinh chế cũng đã giảm trung bình 11% mỗi năm trong suốt thập kỷ qua.

Mặc dù vậy, Úc lại có hi vọng tăng cường vị thế của mình bằng cách phát triển việc xuất khẩu năng lượng tái tạo - đặc biệt là những nguồn năng lượng tạo ra từ công nghệ năng lượng mặt trời. Cơ hội là ở đây. Trung Quốc - một trong những nước nhập khẩu than lớn nhất của Úc - đã cam kết sẽ tăng tỷ lệ nhập khẩu nhiên liệu phi hóa thạch như một phần của kế hoạch đạt mức tiêu thụ năng lượng hóa thạch chỉ khoảng 20% vào năm 2030.

Một công ty của Úc đã thành công trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh năng lượng tái tạo là Infratech Industries. Mới đây, công ty này đã xuất khẩu thành công hệ thống sản xuất năng lượng mặt trời nổi trên mặt nước, tương tự như hệ thống đang hoạt động ở Jameson- một thị trấn phía Nam nước Úc cho thành phố Holtville ở bang California, Mỹ. Những hệ thống nổi kiểu này tạo ra năng lượng nhiều hơn khoảng 57% so với những hệ thống dựng trên nền đất thông thường.

Tiến sĩ Rajesh Nellore, giám đốc điều hành của Infratech Industries, nói rằng có một thị trường khổng lồ cho lĩnh vực công nghệ này: "Mỗi hồ chứa nước trên thực tế đều có tiềm năng tạo ra một nguồn năng lượng dồi dào trị giá lên đến hàng tỷ đô”.

Mỹ không phải là nước duy nhất đầu tư vào mảng công nghệ quang điện với năng lượng mặt trời của các công ty Úc. Hồi đầu năm nay, Tập đoàn điện lực Tam Hiệp, một doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc cũng vừa ký một biên bản thỏa thuận với công ty RayGen của Úc cho việc triển khai các máy phát điện dân dụng 500MW từ nguồn năng lượng mặt trời trong năm năm tới. Bản thỏa thuận này có thể đem lại doanh thu khoảng 1 tỉ đô cho các nhà cung cấp công nghệ năng lượng mặt trời.

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Nellore cho rằng chính phủ Úc cần có nhiều hành động thiết thực hơn để phát triển tiềm năng trở thành nước xuất khẩu năng lượng tái tạo lớn trên thị trường. "Chính phủ liên bang cũng như các chính quyền địa phương cần phải đưa ra các chính sách hỗ trợ và khuyến khích việc tiết kiệm nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay.”, tiến sĩ Nellore nói.

Với thỏa thuận khí hậu toàn cầu COP 21 diễn ra tại Paris, Pháp mới đây, mong muốn giảm thiểu các-bon trong ngành năng lượng toàn cầu đã mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Đây chính là cơ hội cho ngành năng lượng tái tạo của Úc cất cánh trong tương lai không xa.

Ian Kay, Giám đốc điều hành của Cơ quan Năng lượng tái tạo Úc (ARENA), đơn vị đã đầu tư 1.7 triệu đô vào dự án thí điểm Công nghệ quang điện với Năng lượng mặt trời của công ty RayGen, cho biết: "Thị trường Úc tương đối nhỏ xét trên quy mô thị trường toàn cầu. Do đó, bằng cách khai thác các thị trường nước ngoài, ngành năng lượng tái tạo của Úc có thể tiếp cận quy mô khách hàng lớn hơn để giảm thiểu chi phí và tăng  sức cạnh tranh."

Hoa Nguyễn (theo Theguardian.com)