Xây dựng khu công nghiệp (KCN) sinh thái, chuyển đổi các KCN truyền thống thành KCN sinh thái là xu hướng mới của thế giới. Trên thực tế, việc phát triển mô hình KCN sinh thái gắn chặt giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường được xem như hướng đi mới trước thực trạng phát triển cụm, KCN diễn ra mạnh mẽ tại nước ta hiện nay.
Hiện nay, theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nước ta đã có 209 KCN đi vào hoạt động với tổng diện tích trên 47.300ha. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 80% các KCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung, 20% số KCN còn lại chưa hoặc đang đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, trong đó có cả những KCN đã lấp đầy 70%-100% công suất xử lý nước. Thực trạng này đã tạo môi trường xấu trong việc thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký, vấn đề trách nhiệm xã hội là một trong những điều kiện đủ để sản phẩm doanh nghiệp sản xuất ra được xuất khẩu sang thị trường trên thế giới. Riêng tại nội tại, nó là điều kiện cần để doanh nghiệp nước ngoài lựa chọn đầu tư. Điều này cũng lý giải cho việc tại sao các doanh nghiệp thuộc các nước phát triển như liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc thường ưu tiên lựa chọn những tỉnh thành có các KCN hoàn thiện hạ tầng tiếp nhận và xử lý môi trường.
Bà Liao Yi-Fan, kỹ sư Quỹ năng suất xanh Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, việc đầu tư ngay từ đầu cho các KCN theo tiêu chí KCN xanh (EIP) sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp. Theo đó, nguồn thải của doanh nghiệp này sẽ được thương mại hóa để trở thành đầu vào nguyên liệu của doanh nghiệp khác. Như vậy, dòng nguyên liệu sẽ được tận dụng tối đa để tạo ra sản phẩm và hạn chế tối thiểu nguồn thải bỏ. Bà Liao Yi-Fan đã dẫn một trường hợp cụ thể về thành công của KCN Lin Hai ở phía Nam Đài Loan.
Bằng việc áp dụng mô hình EIP, KCN này đã giảm khí thải CO2 ở mức 123 kton/năm, nâng tỷ lệ tái chế từ 84,4% lên 87,6%, tái sử dụng hơi nước từ 5,1% lên 8,6%, tổng lượng lưu hành nguyên vật liệu và chất thải được tận dụng lại trong KCN này là 428.000 tấn/năm, hiệu quả về mặt kinh tế 27,8 triệu USD/năm. Đồng quan điểm này, Giáo sư Fan Chien Te - Học viện Luật về Khoa học Công nghệ Đài Loan, cũng chia sẻ, Việt Nam có thể phát triển các ngành công nghiệp thân thiện môi trường, ít phát thải cacbon thay vì đi theo cách phát triển công nghiệp truyền thống. Chỉ có điều, vốn đầu tư cho các dự án khu công nghiệp sinh thái thường khá cao so với đầu tư KCN thông thường, nên để làm được điều này cần có sự hỗ trợ tài chính quốc tế. Từ việc chia sẻ những thành công trong phát triển các KCN sinh thái tại Đài Loan và phân tích tầm quan trọng của việc tiếp cận tài chính quốc tế đối với các dự án công nghiệp xanh, các nhà khoa học và các chuyên gia đến từ Đài Loan cũng đã bày tỏ sự mong muốn hỗ trợ, tư vấn cho các đơn vị ở Việt Nam xây dựng hồ sơ dự án mang tính thuyết phục cao để có thể kêu gọi được sự hỗ trợ từ các nguồn tài chính quốc tế.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Nam Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, cũng cho biết, KCN sinh thái là một mô hình mới, tạo ra động lực phát triển kinh tế công nghiệp của địa phương và khu vực, vùng lãnh thổ. Không những thế, còn giúp thu hút đầu tư, tạo việc làm cho người lao động mà còn giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất từ quá trình tiết kiệm, tái chế, tái sử dụng nguyên - vật liệu và năng lượng. Tại Việt Nam, việc triển khai và thử nghiệm mô hình KCN sinh thái là rất cần thiết. Do vậy, kinh nghiệm từ Đài Loan về quá trình phát triển các KCN sinh thái cũng như các phương án tiếp cận vốn tài chính quốc tế để phát triển các dự án là rất đáng quan tâm. Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Nam Hải để có thể tiếp cận với các dự án cũng như kêu gọi nguồn vốn quốc tế để thực hiện dự án, Việt Nam cần phải đẩy mạnh nghiên cứu kỹ lưỡng hơn nữa các vấn đề về truyền thông, chính sách, cơ chế… để sớm đưa những mô hình này vào thực tế.
Theo Sài Gòn Giải Phóng