Nhằm thúc đẩy đầu tư vào năng lượng gió trong nhóm các nước thuộc Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) đã phối hợp với Ban thư ký APEC tổ chức “Hội thảo APEC về quan hệ đối tác công - tư nhằm phát triển năng lượng gió” trong hai ngày 24-25/9.
Đây là hoạt động tiếp nối những kết quả quan trọng của hội thảo về năng lượng gió do Bộ Công Thương tổ chức từ cuối năm 2013. Tại đây, đại diện nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, New Zealand, Nhật Bản… đã chia sẻ những kinh nghiệm về phát triển điện gió.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết, thời gian gần đây, việc đảm bảo an ninh năng lượng là một trong những ưu tiên và mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới nói chung và trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng.
Nhiều năm trở lại đây, thảm họa thiên nhiên liên tiếp xảy ra chính là một trong những hệ lụy rõ ràng của việc con người đã và đang khai thác một cách quá đà các nguồn năng lượng không có khả năng tái tạo hoặc cần thời gian rất dài để có thể tái tạo. Vì vậy, tăng cường nghiên cứu, khai thác và tận dụng triệt để những nguồn năng lượng tái tạo là việc cần thiết - Thứ trưởng khẳng định.
“Hơn nữa, việc bảo đảm nguồn cung năng lượng đầy đủ là nhu cầu thực tế và là điều kiện quan trọng nhằm duy trì sự ổn định, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các nước thành viên APEC” Thứ trưởng Tú nói.
Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên, trong nhiều kỳ họp của APEC, lãnh đạo các nước thành viên đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai những chương trình hợp tác trung và dài hạn, nhằm giải quyết thách thức về năng lượng trong khu vực, đặc biệt là đối với các nguồn năng lượng tái tạo.
Tiêu biểu, năm 2012, các nhà lãnh đạo APEC đã đặt mục tiêu giảm cường độ tiêu thụ năng lượng trong khu vực thêm 45% vào năm 2035, cũng như đẩy nhanh việc phấn đấu để các thành viên APEC sớm trở thành nền kinh tế carbon thấp.
Tại Hội nghị Cấp cao APEC năm 2014, Việt Nam đã đồng ý phối hợp với Hoa Kỳ về việc tham gia chương trình rà soát các biện pháp trợ cấp đối với năng lượng hóa thạch, nhằm mục tiêu phát triển bền vững.
Các nước APEC trong đó có Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển năng lượng gió. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Tú, việc đưa nguồn năng lượng sạch này trở nên phổ biến hơn đang gặp phải nhiều thách thức.
Cụ thể, do phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên và vị trí địa lý nên năng lượng gió mang tính bất ổn cao; chi phí đầu tư, duy tu, bảo dưỡng thiết bị lớn và chưa phổ biến; chuỗi cung ứng trên thị trường, phục vụ việc sản xuất nguyên liệu đầu vào và phát triển thương mại về năng lượng gió còn gặp nhiều bất cập...
“Những nhân tố này đã và đang khiến cho việc áp dụng rộng rãi năng lượng gió còn gặp nhiều khó khăn trên bình diện thế giới nói chung và trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng” Thứ trưởng bình luận.
Để góp phần giải quyết những vấn đề này, hợp tác công - tư (PPP) đang được nhiều quốc gia lựa chọn làm “chìa khóa” để thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng này.
Với ít nhất 3 đặc điểm: chung mục tiêu; chia sẻ hoặc sử dụng một cách bổ sung các nguồn lực (tài chính, nhân lực...); chia sẻ rủi ro và kết quả đạt được cho cả nhà nước và tư nhân, PPP sẽ tạo được "cú huých" lớn trong ngành năng lượng tái tạo trong tương lai , ông John F. Pierce- đại diện Công ty Perkins Coie Hoa Kỳ - khẳng định.
Theo Báo Công Thương