Hơn 98% số vụ tràn dầu trên thế giới hiện nay xảy ra trên mặt đất. Điều này đã khiến cho Chính phủ phải tiêu tốn một khoản chi phí tương đương 10 tỷ đô la mỗi năm để xử lý loại đất nhiễm dầu này.
Đây là một quy trình tiêu tốn khá nhiều năng lượng và còn có thể gây ra lãng phí dầu ở quy mô lớn, cũng như gây ô nhiễm môi trường đất nếu không được tiến hành một cách cẩn thận. Trước thực trạng đó, các nhà khoa học tại Đại học Rice (Mỹ) đã tìm ra một phương pháp mới để giảm thiểu mức tiêu thụ năng lượng khổng lồ này trong khi vẫn hoàn trả một vùng đất trồng màu mỡ cho con người.
Cụ thể, họ đã sử dụng công nghệ nhiệt phân để nung nóng toàn bộ đất ô nhiễm trong môi trường yếm khí (thiếu ô-xy). Sau 3 giờ nung nóng liên tục dưới nhiệt độ 420 độ C, phần lớn lượng hydrocarbon chứa trong đất đã bị phân huỷ, đưa tỉ lệ hydrocarbon/đất xuống dưới 0,1%. Thử nghiệm trồng rau diếp, một loại cây trồng nhạy cảm với các thành phần có trong dầu, trên loại đất thành phẩm sau nhiệt phân này cho thấy kết quả rất tốt. Mặt khác, so với các kỹ thuật đốt thông thường với sự tham gia của ô-xy trong điều kiện nhiệt độ cao hơn, kỹ thuật nhiệt phân yếm khí này có mức tiêu thụ năng lượng thấp hơn 40-60%.
Bên cạnh đó, một điều đáng ngạc nhiên là, trong quá trình này, các hợp chất chứa các-bon còn lại cũng được chuyển hoá thành một dạng hợp chất rắn rất gần với than củi, tương tự như cốc dầu mỏ trong nhà máy lọc dầu. Do chất rắn dễ dàng được lọc ra khỏi đất hơn chất lỏng, điều này sẽ mở ra khả năng thu hồi một lượng nhất định nhiên liệu gốc dầu mỏ để phục vụ cho các ngành công nghiệp và nông nghiệp khác.
Các nhà khoa học cho biết, trong tương lai, họ sẽ tìm cách tối ưu hoá lượng than sinh học này, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả xử lý đất nhiễm dầu nói chung và thu hồi nhiên liệu nói riêng.
Anh Tuấn (Theo Science Daily)