Các nhà nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Chalmers (Thuỵ Điển) vừa phát triển thành công một thuật toán mới cho phép tối ưu hoá các chuyển động của rô-bốt công nghiệp, từ đó tạo ra hiệu quả cao về tiết kiệm năng lượng.
Từ lâu, rô-bốt đã được sử dụng vào quá trình sản xuất công nghiệp. Nhờ đó, đem lại hiệu quả cao về năng suất, đảm bảo tính chính xác trong từng chi tiết nhỏ, đồng thời còn giúp người lao động tránh phải làm việc trong những điều kiện sản xuất khắc nghiệt. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hoạt động của chúng vẫn chưa thực sự tối ưu khi tiêu tốn khá nhiều năng lượng.
Giáo sư Bengt Lennartson, người khởi xướng nghiên cứu này, cho biết: “Tiền đề của nghiên cứu này đi từ phát hiện rằng các chuyển động của rô-bốt thường nhanh hơn nhiều so với người bình thường. Điều này khiến chúng dễ rơi vào trạng thái chờ khá lâu trước khi các máy móc và rô-bốt khác trong dây chuyền sản xuất thực hiện hoạt động tiếp theo. Hệ quả là một lượng đáng kể năng lượng bị lãng phí trong thời gian chờ này. Thuật toán của chúng tôi đã giải quyết triệt để vấn đề này khi trang bị cho rô-bốt khả năng thu thập thông tin về quãng đường và tốc độ của các thiết bị liên quan. Từ đó, tính toán tốc độ di chuyển tối ưu để phối hợp nhịp nhàng với quy trình sản xuất.”
Kết quả thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy, tốc độ di chuyển của các rô-bốt giờ đây có phần chậm đi so với trước, song hiệu quả sản xuất vẫn được đảm bảo. Trong khi đó, lượng tiêu thụ điện năng của các rô-bốt giảm 15-40%, tuỳ theo từng ứng dụng cụ thể.
Được biết, trong nhiều lĩnh vực như sản xuất thân xe ô-tô, các rô-bốt thường chiếm khoảng 50% lượng tiêu thụ năng lượng của toàn bộ nhà máy. Do đó, sự ra đời của thuật toán tối ưu hoá chuyển động này sẽ mở ra khả năng giúp các ngành công nghiệp liên quan tới rô-bốt vận hành hiệu quả hơn.
Anh Tuấn (Theo Science Daily)