[In trang]
Tiết kiệm năng lượng trong hệ thống tạo hơi nước
Thứ bảy, 18/07/2015 - 11:10
Cần có những giải pháp thích hợp để tăng cường hiệu suất sản xuất hơi nước cũng như giảm thiểu tiêu thụ năng lượng phát sinh do hơi nước.

Sử dụng hơi nước là một hoạt động không thể thiếu được trong nhiều khâu của quá trình sản xuất công nghiệp như đun nóng, sấy khô, chưng cất, nén khí… Tuy nhiên, bản thân việc sản sinh hơi nước cũng tiêu tốn nhiều năng lượng. Vì vậy, cần có những giải pháp thích hợp để tăng cường hiệu suất sản xuất hơi nước cũng như giảm thiểu tiêu thụ năng lượng có thể phát sinh do hơi nước. Dưới đây là một số giải pháp chính. 

Sử dụng một nồi hơi đã được tinh chỉnh

Các nồi hơi mua sẵn tuy có thể đã đạt chứng nhận về hiệu quả năng lượng song không phải bao giờ cũng hoàn toàn  tương thích với điều kiện sản xuất cụ thể của từng doanh nghiệp. Nếu sử dụng quá nhiều khí dư để đốt nhiên liệu, năng lượng sẽ bị lãng phí bởi nhiệt sinh ra sẽ chuyển hoá hết thành dạng khí thay vì dạng hơi nước.

Trong trường hợp này, cần tìm đến một đội ngũ chuyên gia lành nghề hỗ trợ doanh nghiệp nâng cấp, cải tạo lại nồi hơi để đảm bảo đúng tỷ lệ chuyển hoá nhiên liệu thành hơi nước như yêu cầu.

Quản lý quy trình hoạt động của nồi hơi

Khí thải của quá trình tạo hơi nước thường bao gồm các-bon mô-nô-ô-xít, ô-xy và khói. Việc kiểm soát, đo lường mức độ phát thải của các loại khí này sẽ giúp người điều hành nắm được quy trình có được vận hành hiệu quả hay không.

 

Nếu tỷ lệ khí ô-xy cao, hệ thống đang được vận hành hiệu quả. Ngược lại, nếu nồng độ các-bon mô-nô-ô-xít và khói cao, nhiều khả năng đã xẩy ra hiện tượng lãng phí năng lượng ở đâu đó. Trên cơ sở kết quả này, nhà sản xuất có thể đưa ra những biện pháp cụ thể hơn để duy trì nhiệt độ lửa cao và giảm thiểu lượng phát thải khí độc hại.

Thực hiện kiểm tra trực quan

Hiện tượng rò rỉ khí thải dư thừa thường rất dễ nhận ra bằng mắt thường. Sự rò rỉ này có thể làm giảm hiệu suất chuyển hoá nhiệt thành hơi nước và từ đó tiêu tốn thêm năng lượng. Tuy nhiên, chỉ cần theo dõi kỹ càng, chúng ta có thể nhanh chóng tìm ra biện pháp xử lý thích hợp, góp phần tiết kiệm 2-5% mức tiêu thụ năng lượng.

Cải thiện lớp cách nhiệt cho nồi hơi

Bên cạnh lớp cách nhiệt vốn có, các nhà sản xuất công nghiệp có thể sử dụng thêm lớp cách nhiệt bổ sung được làm từ các loại vật liệu như sợi gốm. Thêm vào đó, nếu kết hợp với việc cải thiện điều khiển mạch lò, hiệu quả tiết kiệm năng lượng có thể lên đến 26%. Mặt khác, do công suất nhiệt của các lớp vật liệu này tương đối thấp, hiệu quả chuyển hoá thành dạng hơi do ngưng tụ của nước trong lò khi đi ra ngoài cũng sẽ tăng lên.

Bảo trì nồi hơi định kỳ

Đây là một công tác hết sức cần thiết để đảm bảo toàn bộ các thành phần trong nồi hơi đang vận hành hiệu quả, đồng nghĩa với mức hao phí năng lượng thấp nhất có thể. Trong trường hợp không được bảo dưỡng tốt, nồi hơi và đặc biệt là hệ thống ngưng tụ hơi nước bên trong sẽ rất dễ bị hao mòn.

Tái sử dụng nước ngưng tụ cho nồi hơi

Lượng hơi nước đã sử dụng hoàn toàn có thể được ngưng tụ lại và tái sử dụng cho lần đun kế tiếp. Do đã được cung cấp nhiệt sẵn nên chúng ta sẽ không tốn quá nhiều năng lượng để đưa chúng trở lại 100 độ C.

Anh Tuấn (Theo Energy)