Hiệu quả năng lượng và bảo tồn tài nguyên đã và đang trở thành mục tiêu quan yếu của nhiều ngành công nghiệp, trong đó có công nghiệp gốm sứ. Trong 3 năm trở lại đây, hàng trăm công nghệ hiệu quả năng lượng, tối ưu hoá quy trình sản xuất trong lĩnh vực này đã được cho ra đời và ứng dụng thực tiễn. Dưới đây là một số khuynh hướng công nghệ chính.
Chuyên môn hóa sản xuất
Quy trình sản xuất đang được chuyên môn hoá thành từng khâu riêng biệt với những công nghệ đặc thù. Từ đó, cho phép tạo ra những sản phẩm chất lượng cao với thời gian ngắn, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng và phụ gia. Ví dụ, nhờ máy trộn phân tán, thời gian xử lý bùn giảm đi đáng kể, từ 5 ngày xuống còn 1 ngày. Đồng thời, lượng điện năng tiêu thụ cũng được hạn chế so với trước. Hơn thế, chất lượng bùn sau xử lý cao được cải thiện cũng giúp quá trình đúc sau đó trở nên dễ dàng và ít tiêu tốn các chất phụ gia hơn.
Sử dụng mực gốm thế hệ mới
Thay thế các loại mực gốm thế hệ mới sẽ giúp tăng cường tính ổn định của lớp men cũng như độ bền màu trong quá trình trang trí sản phẩm. Điện năng tiêu thụ và chi phí sản xuất tổng thể cũng được giảm thiểu.
Mặt khác, công nghệ mực gốm mới còn cho phép các nhà sản xuất có thể đáp ứng tốt hơn những yêu cầu có tính cá nhân của khách hàng. Hiệu quả vượt trội này đã thúc đẩy sự ra đời của hàng loạt cơ sở sản xuất gốm. Cùng với đó, 4 nghìn máy in phun mực gốm đã được lắp đặt trên toàn thế giới.
Cải tiến công nghệ khuôn - đúc
Tuy không có những tiến bộ vượt trội trong công nghệ khuôn - đúc, song việc cập nhật những công nghệ mới sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất và tiết kiệm năng lượng. Điển hình là ứng dụng công nghệ máy ép keo để sản xuất cốc và công nghệ ép đẳng tĩnh để sản xuất bồn rửa. Một số cải tiến và phát minh mới về chất phụ gia cũng có tác dụng nhất định trong việc tăng cường hiệu quả năng lượng nói riêng và năng suất nói chung.
Xử lý nhiệt
Một khuynh hướng khác tập trung vào việc cải thiện hiệu quả năng lượng trong các quá trình xử lý nhiệt. Biện pháp sử dụng hệ thống hướng dẫn sấy cho các máy sấy liên tục và tích hợp quá trình xử lý hậu cần vào nhà máy sản xuất được coi là những hướng đi mới tiềm năng để nâng cao hiệu quả sản xuất các thiết bị vệ sinh bằng gốm. Tính trung bình, hệ thống quản lý năng lượng đã giúp các nhà sản xuất tiết kiệm 50% năng lượng trong vòng 10 năm qua.
Anh Tuấn (Theo Ceramic Industry)