Hệ thống nước nóng tại các khách sạn, tòa nhà hiện nay chiếm đến hơn 15% tổng năng lượng tiêu thụ. Trong khi những phương án tiết kiệm chưa được quan tâm đúng mực do thiếu thông tin từ phía chủ tòa nhà.
Đó là chia sẻ của ông Huỳnh Kim Tước, giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP. HCM (ECC HCMC).
Doanh nghiệp gặp khó trong tiết kiệm nước
Dựa trên kết quả khảo sát tại 300 khách sạn, tòa nhà ở khu vực miền Nam của Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM cho thấy, đối tượng tiêu thụ năng lượng hàng đầu là hệ thống điều hòa không khí (chiếm 65%), tiếp theo hệ thống nước nóng là đối tượng tiêu thụ năng lượng đứng thứ 2 với hơn 15% trên tổng năng lượng tiêu thụ.
Trong đó, hầu hết các khách sạn đang sử dụng lò hơi đốt dầu, gas hoặc sử dụng máy nước nóng điện trở với hiệu suất thấp do đó tỷ trọng năng lượng cho hệ thống nước nóng trở lên lớn hơn.
“Khi nói đến tiềm năng tiết kiệm năng lượng tại các tòa nhà, khách sạn, chúng ta thường nghĩ ngay đến các hệ thống sử dụng điện hoặc dầu lớn như hệ thống lạnh, chiếu sáng, lò hơi… mà ít ai biết rằng hệ thống sử dụng nước cũng là một khu vực tiêu thụ năng lượng đáng kể. Do vậy, khi kết quả kiểm toán của chúng tôi đưa ra tiềm năng tiết kiệm rất lớn từ hệ thống này thì các doanh nghiệp đều khá bất ngờ”, ông Kim Tước chia sẻ.
Theo tính toán, nếu một khách sạn thay thế hệ thống vòi sen thế hệ cũ với lưu lượng nước tiêu tốn 10 lít/phút bằng loại vòi tắm công nghệ mới, sử dụng cơ chế hòa trộn các bọt khí nhỏ vào trong nước làm cho người sử dụng vẫn tận hưởng đầy đủ xung lực của nước thì sẽ giúp tiết kiệm đến 35% lượng nước sử dụng.
Tương tự, nếu thay thế bàn cầu có dung tích bồn xả là 12 lít/phút bằng bằng bàn cầu ứng dụng hệ thống xả EcoMAX tiết kiệm và hiệu quả sẽ không chỉ giúp giảm tiếng ồn mà còn tiết kiệm đến 20% lượng nước tiêu thụ. “Hiện nay, đây là phương án đang được trung tâm chú trọng tư vấn cho các tòa nhà xây mới, hoặc các tòa nhà cải tạo lại trong tương lai”, ông Tước cho biết thêm.
Một điều cũng đáng lưu tâm đó là theo danh sách doanh nghiệp trọng điểm của Thủ tướng chính phủ, số lượng các tòa nhà khách sạn là doanh nghiệp trọng điểm chiếm 30% tổng số doanh nghiệp ở hai TP lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh.
Trong số đó, những khách sạn đưa vào sử dụng trước năm 2000 thường dùng các thiết bị công nghệ cũ, tiêu hao nhiều nước và năng lượng hơn so với các tòa nhà, khách sạn được xây dựng sau này.
Mặc dù đều ý thức được việc cần phải đầu tư cải tạo, đổi mới công nghệ nhằm tiết giảm năng lượng tiêu thụ, nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự mạnh dạn đầu tư đổi mới bởi hiện có rất nhiều rào cản như: Thiếu vốn đầu tư, chưa tin tưởng vào kết quả tiết kiệm năng lượng mang lại, thiếu đơn vị chuyên nghiệp có phương pháp luận phù hợp trong việc tư vấn và giám sát kết quả sử dụng năng lượng trước và sau khi thực hiện cải tạo, đổi mới công nghệ…
Đầu tư công nghệ tiết kiệm năng lượng không cần vốn
Được biết, năm 2012, EEC HCMC đã chính thức đưa vào triển khai dự án ESCO, cung cấp các giải pháp năng lượng toàn diện bao gồm thiết kế và thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng, bảo tồn năng lượng, cho thuê cơ sở hạ tầng năng lượng... nhằm góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp. Đây là mô hình đã được ứng dụng nhiều trên thế giới, đặc biệt tại các nước công nghiệp phát triển.
Trong đó, thay vì doanh nghiệp phải bỏ tiền ra để thực hiện việc lắp đặt hoặc thay thế các công trình tiết kiệm năng lượng, ESCO có thể ứng vốn đầu tư trước cho toàn bộ các chi phí của dự án và sẽ thu hồi vốn và lợi nhuận dựa trên việc chia sẻ khoản lợi ích từ TKNL của DN do dự án mang lại trong thời gian nhất định và số tiền do 2 bên thỏa thuận trước.
“Ví dụ, với một doanh nghiệp, mức tiêu thụ điện hàng tháng rơi vào khoảng 100 triệu đồng. Qua khảo sát, phía Trung tâm đánh giá hệ thống máy lạnh, dàn đèn đã cũ và tiêu hao năng lượng lớn, nếu được thay thế bằng hệ thống mới sẽ giảm được khoảng 30% điện năng tiêu thụ (tương đương với 30 triệu đồng).
Khi đó, ESCO sẽ đầu tư toàn bộ chi phí để cung cấp hệ thống máy lạnh và giàn đèn mới cho doanh nghiệp. Đổi lại, ESCO sẽ lấy một phần trong tổng số 30 triệu đồng tiết kiệm được tùy theo thỏa thuận giữa hai phía cho đến khi toàn bộ chi phí đầu tư ban đầu thu hồi”.
Ông Nguyễn Phước Đại, kỹ sư trưởng khách sạn Legend Saigon, một trong những khách sạn đầu tiên tại TP.HCM triển khai dự án ESCO cho biết, chỉ tính riêng việc thay thế vòi sen cũ bằng hệ thống vòi sen tiết kiệm nước công nghệ mới, khách sạn đã tiết giảm 180 lít dầu DO mỗi ngày và 4500 lít/tháng.
“Sau khi tiến hành kiểm toán, chúng tôi nhận ra rằng, việc thay thế vòi sen tiết kiệm nước là một trong những khải pháp khả thi và hiệu quả nhất. Với mức độ tiết kiệm như hiện nay, dự kiến chỉ trong vòng 5 – 7 năm, số tiền chúng tôi đầu tư cho dự án trên đã có thể thu hồi”.
Theo Khám Phá