[In trang]
Tăng hiệu quả năng lượng trong các di sản văn hoá tại châu Âu
Thứ ba, 02/06/2015 - 08:15
EU đã đầu tư ngân sách cho một dự án nghiên cứu về giải pháp hiệu quả năng lượng tại các di sản văn hoá của khu vực.

Châu Âu đang đẩy mạnh các hoạt động hiệu quả năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường nhằm đạt mục tiêu được quy định trong Kế hoạch hiệu quả năng lượng EU được ban hành năm 2011.

Đối với lĩnh vực xây dựng, hiệu quả năng lượng được chú trọng vào các công trình mới, công trình sửa chữa và các công trình hiện có. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là: việc tiến hành duy tu trong các di sản văn hoá là điều vô cùng khó khăn khi bất cứ ứng dụng hiện đại nào đều có thể phá vỡ kết cấu vốn có và cần được lưu giữ của công trình.

Trong một nỗ lực gần đây, vào tháng 5- 2015, EU đã đầu tư ngân sách cho một dự án nghiên cứu về giải pháp hiệu quả năng lượng tại các di sản văn hoá của khu vực. Nhiều phương án đã được đưa ra dựa trên hai hướng chính: tiếp cận chung cho toàn bộ các di sản và tiếp cận riêng cho từng nước hoặc từng di sản cụ thể.

Đức và Áo đề nghị thiết lập các bộ hướng dẫn tiết kiệm năng lượng trong di sản văn hoá cho từng vùng, từng nước và toàn EU.

Franziska Haas, một nhà nghiên cứu cho biết: “Tuy nhiên, trong trường hợp này, biện pháp hiệu quả năng lượng cho các di sản văn hoá cần được xem xét một cách độc lập cho từng đối tượng,” Bà cũng cho rằng, các giải pháp cần mang tính dài hạn, hướng đến sự phát triển trong tương lai của các di sản, thay vì chỉ nhằm mục đích bảo tồn.

Ví dụ như việc tân trang các cửa sổ là một cách tiếp cận khá phổ biến trong việc giảm thiểu tổn thất năng lượng trong các công trình cũ. Trong một nghiên cứu trường hợp được thực hiện tại Bolzano, Italy, các nhà khoa học cho biết họ đã thay thế toàn bộ cửa sổ ở đây, góp phần tăng cường hiệu quả năng lượng, trong khi vẫn có thiết kế phù hợp với mặt tiền theo kiến trúc Ba-rốc của toà nhà.

Bên cạnh đó, một giải pháp khác cũng được đưa ra là giải quyết nguồn cung năng lượng cho công trình. Một nhóm các nhà khoa học tại Đại học Uppsala, Thuỵ Điển khẳng định, việc lắp đặt các tấm pin mặt trời lên mái như các công trình nhà ở hay văn phòng thông thường sẽ phá vỡ cấu trúc của di sản.

Mặt khác, tăng cường hiệu quả sưởi ấm bằng cách sử dụng các vật liệu cách nhiệt mới cho mặt tiền của công trình cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến mỹ quan. Thay vào đó, công nghệ đồng phát nhiệt – điện sẽ đem lại hiệu quả về cả điện năng cho toàn bộ công trình, cùng với nhiệt năng cho sưởi ấm, mà không gây ảnh hưởng gì đến kết cấu và diện mạo của chúng.

Cũng đi theo hướng tiếp cận này, một dự án cải tạo di sản tại Áo đã lắp đặt thêm một hệ thống cách nhiệt bên trong, thay vì các vật liệu cách nhiệt bên ngoài để tăng cường hiệu quả năng lượng.

Dự án này được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều bài học bổ ích cho các nước EU về biện pháp hiệu quả năng lượng trong di sản văn hoá. Trong đó, quan trọng nhất là dữ liệu từ các nghiên cứu trường hợp thực tế, cũng như nhu cầu trao đổi, đối thoại liên tục để tìm ra giải pháp tốt nhất theo hướng tiếp cận chung và riêng.

Bà Franziska Haas nhấn mạnh: “Các giải pháp tốt nhất chỉ có thể được tìm thấy khi tất cả các bên liên quan, gồm tư vấn về năng lượng, bảo tổn, xây dựng và kiến trúc, làm việc với nhau ngay từ đầu". 

Anh Tuấn (Theo 3encult)