Trong khi các doanh nghiệp (DN) khác còn đang loay hoay với câu hỏi làm thế nào để sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm thì Chi nhánh Công ty Dầu thực vật Cái Lân tại Hồ Chí Minh đã rất thành công trong lĩnh vực này.
Ông Nguyễn Tuấn Anh - Trưởng phòng sản xuất, Nhà máy Dầu thực vật Cái Lân chi nhánh Hiệp Phước - cho biết, nhà máy có khoảng 1.700 nhân viên, mỗi ngày phải sản xuất khoảng 600 tấn dầu thực vật và bơ các loại, nên chỉ tính riêng tiền điện hàng tháng đã lên tới 1,7 tỷ đồng.
Để thực hiện tốt chương trình này, nhà máy đã thành lập Ban quản lý năng lượng để xây dựng các giải pháp và thực hiện việc sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm. Ban quản lý đã lập kế hoạch, thực hiện, kiểm tra, giám sát và đo lường hiệu quả ở toàn bộ nhà máy từ văn phòng đến xưởng sản xuất, lưu kho. Căn cứ việc theo dõi số liệu sử dụng năng lượng thực tế ở từng khu vực, xét thấy dự án nào khả thi, có khả năng thu hồi vốn trong vòng 2 năm sẽ chủ động lập các dự án, thực hiện ngay. Dự án nào có thời gian thu hồi vốn từ 2-5 năm sẽ xin ý kiến cấp trên.
Qua 4 năm thực hiện, sản lượng năng lượng tiêu thụ quy đổi ra tấn dầu tương đương (TOE) đã giảm đáng kể. Nếu như năm 2011, đơn vị sử dụng 8.642 TOE thì đến năm 2014 chỉ còn 4.754 TOE.
Tuy nhiên, ông Tuấn Anh cũng thừa nhận, để làm được việc này, ngoài sự chủ động của lãnh đạo công ty, nguồn lực về tài chính đủ mạnh để đầu tư còn có sự quan tâm, tư vấn, phối hợp chặt chẽ từ các công ty điện lực địa phương.
Ngoài việc ban hành các quy định về thời gian nghỉ trưa cố định, sử dụng thiết bị điện với các quy chế tiết kiệm điện cho nhân viên dán tại các vị trí cần thiết, đơn vị đã thực hiện nhiều dự án về năng lượng như chiếu sáng, điều hòa không khí, máy nén khí, động cơ, nồi hơi, máy bơm, thông gió, cách nhiệt, xử lý nước thải... một cách hiệu quả thiết thực, giúp tiết kiệm hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Đơn cử như hệ thống chiếu sáng, nhà máy đã sử dụng đèn chiếu sáng điện từ thay cho bóng đèn huỳnh quang với chi phí đầu tư ban đầu là 265 triệu đồng nhưng đã tiết kiệm được 16.560 kWh/năm. Đồng thời, cắt giảm điện chiếu sáng tại những khu vực không cần thiết hoặc không có nhu cầu sử dụng bằng việc lắp thiết bị cảm biến tự động. Ví dụ, đèn ngoài trời trước đây cũng lắp thiết bị tự động, cứ đến giờ cố định là bật sáng nhưng sau khi đầu tư thiết bị cảm ứng sẽ đo độ sáng, đèn sẽ tự động bật sáng không phụ thuộc vào thời gian như trước. Điều này đã giúp đơn vị tiết kiệm được 18.576 kWh/năm. Tại khu vực nhà kho, nhà tách sáp, nhà bơm công ty đã cải tạo lại, dùng tôn lấy ánh sáng mặt trời với chi phí 87 triệu đồng và đã tiết kiệm được 47.520 kWh/năm.
Đối với hệ thống điều hòa không khí, máy nén khí, công ty cũng thuê nhà thầu chuyên môn để kiểm tra, vệ sinh, bảo trì định kỳ 3 tháng 1 lần; tăng cường thông gió và làm mát; đầu tư thêm máy biến khí biến tần kết hợp với bộ điều khiển tập trung và trang bị đồng hồ đo lưu lượng, công suất tiêu thụ cho tất cả các máy nén khí nhằm tối ưu hóa hệ thống. Thường xuyên sử dụng thiết bị chuyên dùng kiểm tra rò rỉ khí để khắc phục kịp thời... Với hàng loạt giải pháp hợp lý, chỉ với chi phí đầu tư khoảng 1,4 tỷ đồng, mỗi năm công ty tiết kiệm được trên 367.000 kWh.
Theo Báo Công Thương