Về Thanh Ba (Phú Thọ) hỏi đến ông “vua bếp” Lê Hồng ai cũng biết. Khoảng hai chục năm nay, chiếc bếp siêu tiết kiệm nhiên liệu của ông đã thay đổi nhận thức cho nhiều người dân nông thôn.
Hơn hai chục năm trước, ở vùng nông thôn, bếp gas là vật dụng xa xỉ với nhiều hộ gia đình, điện lưới thì chưa ổn định, trong khi tài nguyên rừng có hạn. Với lòng đam mê khoa học của một thầy giáo và mong muốn cải thiện đời sống bà con nông thôn đã, ông Hồng nảy ra ý tưởng về mô hình của một chiếc bếp đốt lửa siêu tiết kiệm.
Ngày đó, ông Lê Hồng đang giảng dạy tại một trường phổ thông trung học đại phương. Nhưng với đam mê sang tạo, ông quyết định về quê hương lập nghiệp. Rồi ông sang chế ra chiệc bếp TK90.
Bếp TK90 của ông Hồng được thiết kế dựa trên cơ sở lý thuyết nhiệt của động cơ đốt trong, kết cấu gọn, độ bền cao, nguyên lý hoạt động đơn giản nhưng lại có tác dụng lớn trong việc tiết kiệm chất đốt tới 70%, đồng thời tiết kiệm thời gian đun nấu và giảm 2/3 lượng khói so với bếp kiềng thông thường.
Một trong những cấu tạo quan trọng nhất của bếp TK90 chính là buồng đốt. Buồng đốt được chế tạo bằng vật liệu chịu nhiệt có cấu tạo đặc biệt, trên đó có gia công cửa tiếp nhiên liệu và cửa tận dụng nhiệt. Phần bao quanh buồng đốt được xây bằng gạch, xi măng, cát tạo ra một số bộ phận như buồng cháy phụ, buồng chứa tro, giá đỡ củi, máng tận dụng nhiệt, ống khói.
Phương pháp sản xuất bếp TK90 thân thiện với môi trường vì không qua nung. Sản phẩm là sự trộn lẫn giữa các phụ gia và đất sét. Để sản xuất 1 chiếc bếp TK90 thành phẩm sẽ mất từ 3 - 4 ngày và trải qua 6 công đoạn khác nhau. Chi phí sản xuất đầu vào của bếp thấp vì nguyên liệu làm bếp được khai thác tại chỗ nên giá thành của bếp TK90 cũng rất bình dân, tùy vào kích cỡ bếp mà mỗi loại có giá khác nhau.
“Bếp có giá từ 70,000 – 350,000 đồng tuỳ từng loại bếp, có độ bền 3-10 năm. Giá thành khá hợp lý và tuỳ theo nhu cầu sử dụng của bà con”, ông Hồng cho hay.
Bếp TK90 có thể đun được tất cả các loại chất đốt có nguồn gốc từ thực vật và các phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ, lá cây, vỏ chấu, mùn cưa…do khả năng giữ nhiệt cao. Bếp dễ sử dụng, không nóng, ít khói, sạch sẽ nên đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng.
Trước thực trạng nhiều hộ dân ở các vùng nông thôn, miền núi vẫn có thói quen sử dụng bếp kiềng truyền thống có hiệu suất thu nhiệt thấp, tốn chất đốt và thời gian đun nấu, gây nhiều khói bụi, ảnh hưởng tới môi trường sống. 25 năm qua, sự ra đời của bếp TK90 đã trực tiếp góp phần giảm chi phí cho đun nấu sinh hoạt hàng ngày, bảo vệ môi trường và sức khỏe của cộng đồng.
TK90 là viết tắt của từ “Tiết Kiệm – năm 1990” bởi đây là năm chiếc bếp chính thức ra đời khi ông Lê Hồng tham gia cuộc thi “Tiết kiệm năng lượng và tiết kiệm lương thực trong sinh hoạt”.
Với những ý nghĩa về kinh tế, xã hội và môi trường, sản phẩm bếp TK90 đã đoạt nhiều giải thưởng như: giải nhất Cuộc thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc năm 1990, giải nhì Cuộc thi "Phát hiện sáng kiến bảo vệ môi trường năm 2006", bằng độc quyền giải pháp hữu ích do tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO trao tặng và đây cũng là sản phẩm điển hình tiên tiến toàn quốc về bảo vệ môi trường năm 2010.
Hướng tới sự tiện ích cho người sử dụng, sau 5 lần cải tiến, bếp TK90 hiện có mặt trên thị trường với 2 loại là: bếp xây cố định phục vụ cán bộ công nhân viên, các hộ nông dân và bếp di động được dùng chủ yếu tại các quán ăn. Tùy theo nhu cầu sử dụng của mỗi gia đình mà lựa chọn một loại bếp có kích cỡ cho phù hợp.
Từ khi sản phẩm bếp TK90 được đưa ra thị trường, đã có rất nhiều hộ gia đình lựa chọn sản phẩm này cho việc đun nấu sinh hoạt hằng ngày. Ở thị trấn Thanh Ba, gần như 100% các hộ gia đình đều sử dụng bếp TK90. Hơn nữa, bà con ở địa bàn các tỉnh lân cận cũng đã rất quen thuộc với bếp TK90 trong nhiều năm.
Hiện nay, cơ sở sản xuất bếp tại gia đình của ông Hồng đang tạo công ăn việc làm cho 7 lao động địa phương, với mức thu nhập khoảng 3,5 – 4 triệu đồng/người/tháng. “Ông Bếp” cũng đã mở thêm một cở sở sản xuất bếp TK90 ở Việt Yên (Bắc Giang) với mong muốn đưa sản phẩm bếp tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường của mình tới gần hơn với các hộ nông dân.
Tuy vậy việc thay đổi nhận thức của người dân ở các vùng nông thôn cũng là điều mà ông Hồng trăn trở. Ngày ngày, ông Hồng vẫn miệt mài tìm cách đưa bếp đến với những người dân nông thôn, nơi mà nhiều hộ gia đình vẫn coi việc sử dụng củi đốt là thuận tiện nhất do nguồn củi nhiều.
Cũng theo ông Hồng, một số khách hàng từ các tỉnh xa liên hệ gọi đặt bếp nhưng do chi phí vận chuyển cao nên ông chưa chuyển được bếp cho họ. Ông áy náy và cho rằng vẫn chưa đóng góp được nhiều cho sự phát triển của cuộc sống người dân ở các vùng nông thôn.
Theo Khampha.vn