Liên minh châu Âu đang đặt tham vọng tạo một “cuộc cách mạng” trong lĩnh vực năng lượng đại dương nhằm đối phó với các thách thức về nhu cầu năng lượng trong tương lai.
Phát biểu tại Diễn đàn lần thứ ba về năng lượng đại dương tại Brussels (Bỉ), bà Lowri Evans, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề biển và nghề cá thuộc Ủy ban châu Âu (EC), cho biết châu Âu đang hướng tới công nghệ mới về năng lượng đại dương bao gồm năng lượng sóng, thủy triều, độ mặn, khí tượng học, nhằm xây dựng một kế hoạch hành động để khai thác tiềm năng này một cách bền vững, đáp ứng quy định trong chính sách biển của Liên minh châu Âu (EU).
Mô hình hệ thống phát điện nhờ sóng biển.
Trung bình mỗi năm EU chi khoảng 500 tỷ euro cho năng lượng hóa thạch. Trong bối cảnh nguồn năng lượng hóa thạch ngày một cạn kiệt và không có khả năng tái tạo, nguồn cung cấp khí đốt từ Nga luôn rủi ro bởi những cuộc khủng hoảng chính trị như ở Ukraine vừa rồi, năng lượng đại dương có thể giúp châu lục này tự chủ về nguồn năng lượng, tránh được việc phụ thuộc quá nhiều vào bên ngoài.
Bao phủ hơn 70% bề mặt trái đất, đại dương là chiếc gương thu gom năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới. Nhiệt lượng của mặt trời làm ấm mặt nước trên bề mặt nhiều hơn nước dưới biển sâu, và sự chênh lệch nhiệt độ này tạo ra năng lượng nhiệt. Chỉ cần một phần nhỏ nhiệt bị giữ lại trong đại dương cũng có thể cung cấp năng lượng cho cả thế giới. Trên lý thuyết, chỉ cần lấy được 0,1% nguồn năng lượng từ biển khơi cũng đủ hỗ trợ nhu cầu năng lượng của 15 tỷ người.
So với năng lượng gió, năng lượng từ đại dương có nhiều tiềm năng hơn vì nước có tỷ trọng cao hơn không khí 850 lần, vì thế nó chứa nhiều năng lượng hơn. Sóng biển, thủy triều và dòng hải lưu cũng dễ dự báo hơn gió.
Chính vì thế các nước đều tìm cách tận dụng các đại dương để sản xuất 2 loại năng lượng: nhiệt năng từ sức nóng của Mặt trời và cơ năng từ thủy triều và sóng. Ở các vùng nhiệt đới, có thể tạo nhiệt năng từ sự chênh lệch nhiệt độ giữa mặt nước và đáy biển. Nếu theo phương pháp cơ năng, có thể sản xuất điện từ sự chuyển động lên, xuống của các con sóng và hoạt động của thủy triều để làm quay các tua bin.
Tất nhiên, vì là lĩnh vực mới, khai thác năng lượng đại dương đang đối mặt với một số thách thức, bao gồm chi phí công nghệ cao, khó tiếp cận vốn và đòi hỏi nhiều sự hỗ trợ khác. Nước biển mặn làm biến dạng, ăn mòn máy móc và cần có những dây cáp đắt tiền ngầm dưới biển để truyền tải điện vào bờ. Chi phí chế tạo các thiết bị phát điện cũng cao. Lĩnh vực này còn phải đối mặt với những rào cản về hạ tầng cơ sở và hành chính cũng như những quan ngại về môi trường đòi hỏi phải nghiên cứu và thu thập thông tin nhiều hơn.
Tuy nhiên, trong chiến lược năng lượng, EU đã đặt mục tiêu đến năm 2020, nguồn năng lượng tái tạo sẽ chiếm 20% tổng mức năng lượng tiêu thụ của toàn châu lục. Muốn đạt mục tiêu đó thì không thể không tập trung khai thác nguồn năng lượng đại dương. Bên cạnh đó, năng lượng đại dương còn có thể tạo ra nhiều việc làm mới, chất lượng cao, đặc biệt ở các khu vực ven biển châu Âu, nơi thường có tỷ lệ thất nghiệp cao. Nó có thể mở cho EU nhiều cơ hội phát triển trong tương lai.
Theo thiennhien.net