Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang vừa phối hợp với Cơ quan Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo tham vấn giữa kỳ về “Quy hoạch năng lượng sinh khối cho tỉnh Hậu Giang”.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ năng lượng tái tạo Việt - Đức (RESP) với vốn đầu tư nghiên cứu 30 triệu EUR. Dựa án gồm 3 hợp phần chính: Tư vấn chính sách (xây dựng cơ chế hỗ trợ điện khí sinh học, điện sinh khối và điện từ chất thải rắn), phát triển tổ chức và phát triển năng lực.
Hậu Giang là địa phương đầu tiên trên cả nước được triển khai thí điểm dự án về năng lượng sinh khối. Ông Werner Kossmann, Cố vấn trưởng dự án RESP cho biết, dự án sẽ giúp Hậu Giang đánh giá chính xác về tiềm năng sinh khối hiện có. Thông qua đó, giúp địa phương tìm kiếm các nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực này.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Sở Công thương Hậu Giang cho biết: “Phát triển điện sinh khối là vấn đề cần thiết và cấp bách, có ý nghĩa chiến lược đối với tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Sở Công thương sẵn sàng hỗ trợ hết mình và hy vọng các sở, ngành cùng góp sức cho dự án...”.
Dự án được kỳ vọng góp phần giải quyết tình trạng thiếu nhiên liệu, giảm thiểu phát thải khí carbon và ứng phó với biến đổi khí hậu. Dự kiến tháng 8-2015, tổ chức GIZ sẽ hoàn thành báo cáo cuối cùng gửi về Bộ Công thương.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có diện tích trồng lúa khoảng 80.000ha, sản lượng 1,2 triệu tấn/năm, lượng trấu sinh ra khoảng 229 nghìn tấn. Đồng thời, trên địa bàn tỉnh còn có 03 nhà máy đường với tổng công suất khoảng 10.000 tấn/ngày đêm (hoạt động 07 tháng/năm), lượng bã mía dư thừa sau khi làm chất đốt khoảng 350 tấn/ngày, đây là nguồn cung ứng nguyên liệu dồi dào cho năng lượng sinh khối.
Mai Lan